Trong thời đại công nghệ thông tin, việc tiếp xúc với các loại máy tính hoặc thiết bị thông minh có kết nối với mạng internet đã trở nên quá quen thuộc đối với trẻ em. Không thể phủ nhận những lợi ích mà các loại máy tính hoặc thiết bị thông minh có kết nối với mạng internet mang đến cho các em như phục vụ học tập, nghiên cứu, trao đổi trực tuyến… song những cạm bẫy từ mạng xã hội cũng đưa đến không ít những vụ việc đau lòng, gây ra những lo lắng, bất an cho các bậc phụ huynh. Chính vì vậy, vấn đề bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là yêu cầu cấp thiết để tạo nên môi trường lành mạnh cho sự phát triển toàn diện của thế hệ tương lai của đất nước.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: internet)
Căn cứ Điều 4 Luật Trẻ em năm 2016, xâm hại trẻ em được hiểu là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm, sự riêng tư của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn. Hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều phương thức, thủ đoạn như:
- Đánh cắp bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em;
- Gửi, cung cấp nội dung độc hại cho trẻ em;
- Bắt nạt trẻ em thông qua môi trường mạng như cố tình xúc phạm, đe dọa, làm hại, quấy rối, tấn công, cô lập và tẩy chay…;
- Thông qua môi trường mạng tạo dựng lòng tin với trẻ em nhằm mục đích gây hại như lôi kéo, dụ dỗ, quấy rối, lừa đảo, dọa nạt, tống tiền…;
- Lợi dụng môi trường mạng để thực hiện các hành vi xâm hại trẻ em liên quan tới tình dục;
- Sản xuất, sao chép, thu thập, trao đổi, tàng trữ, mua bán, phát tán tin nhắn, hình ảnh, âm thanh, video có nội dung xâm hại tình dục trẻ em;
Và những hành vi khác theo quy định của pháp luật.
Có câu nói rằng: “Những đứa trẻ chính là những tờ giấy trắng. Nếu bạn làm bẩn nó, tờ giấy không còn sử dụng được, nhưng nếu bạn cẩn thận vẽ lên đó, nó sẽ trở thành một bức tranh đẹp”. Việc tiếp xúc lâu dần với những ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội hay những nội dung xấu, độc hại trên không gian mạng cũng không khác nào khiến “tờ giấy trắng” trong tâm hồn của trẻ em bị vấy bẩn đi. Đây chắc chắn sẽ là những vết thương khắc sâu khó có thể chữa lành.
Theo số liệu năm 2021 của Tổng cục Thống kê, Việt Nam có khoảng 27 triệu trẻ em dưới 18 tuổi. Thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý Phát triển bền vững (MSD) cho thấy, có 96,9% trẻ em sử dụng mạng Internet. Như vậy, trung bình có 9/10 trẻ em sử dụng thiết bị kết nối Internet, 9/10 trẻ em thường xuyên lên mạng hằng ngày. Mặt khác, thống kê của Trung tâm sáng kiến sức khỏe và dân số cũng chỉ ra rằng có 36,5% trẻ em phải trải nghiệm các thông tin, hình ảnh liên quan đến bạo lực; hơn 13% trẻ em bị tiếp xúc không mong muốn với các tài liệu khiêu dâm. Việc thường xuyên tiếp xúc với mạng xã hội chính là nguyên nhân chủ yếu khiến các em gặp phải những tác động tiêu cực bởi không gian mạng. Bên cạnh đó, không ít những công ty, doanh nghiệp, nhà cung cấp, nhà sáng tạo nội dung… cung cấp những dịch vụ, nội dung trên không gian mạng chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của hệ thống pháp luật Việt Nam như thông báo lứa tuổi trẻ em có thể tham gia chặn, lọc, gỡ những nội dung, thông tin độc hại đối với trẻ em... Ở độ tuổi của các em, đôi khi chưa phân biệt được các nội dung độc hại cùng với đó là sự thiếu kiểm soát, quan tâm của gia đình, nhà trường khiến cho vấn nạn này càng trở nên khó tháo gỡ.
Riêng trong năm 2022, Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111) đã ghi nhận gần 370.000 cuộc gọi đến, với gần 28.000 cuộc gọi được lập hồ sơ và hơn 1.500 ca can thiệp hỗ trợ. Trong số này, có tổng cộng 419 cuộc gọi báo cáo về hoạt động xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Tổng cộng, Cục trẻ em đã 21 lần can thiệp để xử lý. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi bởi phần nhiều trẻ bị bạo lực và xâm hại tình dục qua mạng thường không kể với ai chuyện đã xảy ra, các bé hầu như không trao đổi với gia đình, nhà trường, cơ quan chức năng hay liên hệ đường dây nóng.
Mặc dù hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam đã có quy định pháp lý để góp phần bảo vệ an toàn trẻ em và phòng chống xâm hại cho em trên không gian mạng như Luật trẻ em năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018, Quyết định số 267/QĐ-TTg và Quyết định số 84/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ… Nhà nước ta cũng đã triển khai nhiều công nghệ và các thiết bị góp phần bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, tuy nhiên thực tiễn cho thấy cách tốt nhất vẫn là nâng cao nhận thức về sử dụng mạng an toàn cho các em bởi với sự phát triển của công nghệ số ngày nay, việc ngăn cản hoàn toàn trẻ em tiếp xúc với không gian mạng là rất khó thực hiện.
Trẻ em cần phải được bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn bằng tất cả tình yêu thương và sự chia sẻ. Để bảo vệ những búp măng non ấy khỏi tác động tiêu cực của không gian mạng, đó là nhiệm vụ lâu dài, đòi hỏi sự chung tay của toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội. Do dó, Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung những văn bản có liên quan đến bảo vệ trẻ em phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng;. Các cơ quan chức năng cần khảo sát và thống kê số lượng trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Bộ Công an cần tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho Chính phủ đẩy mạnh thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm liên quan đến xâm hại phụ nữ, trẻ em và bảo vệ trẻ em trên không gian mạng; Chủ động xác minh, nắm tình hình, diễn biến của các đối tượng đáng nghi vấn. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của ông bà, cha mẹ và người thân nhằm xây dựng thiết chế gia đình bền vững, thường xuyên quan tâm, chú ý và chia sẻ với con em mình để nhận thấy những thay đổi về tâm, sinh lý cần thiết. Đã đến lúc gia đình, nhà trường và toàn xã hội có cái nhìn đúng đắn, nghiêm túc hơn về việc tăng cường giám sát các hoạt động của con em mình trên không gian mạng, đặc biệt là huấn luyện, hướng dẫn trẻ em sử dụng Internet an toàn, kịp thời phản ánh lại những yếu tố độc hại để ngăn chặn. Việc hướng trẻ em đến những hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, hữu ích khác từ thế giới bên ngoài cũng là giải pháp thiết yếu mà các bậc phụ huynh cần quan tâm. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần nhanh chóng, chủ động kiểm tra, theo dõi, xử lý nghiêm các ứng dụng, trò chơi thiếu lành mạnh…
--------
1. Báo cáo số 217/BC-CP ngày 14/05/2020 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em;
2. Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/05/2020 về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em.
3. Hiến pháp năm 2013, Hà Nội, 2013;
4. Luật Trẻ em năm 2016, Hà Nội, 2016;
5. Luật An ninh mạng năm 2018, Hà Nội, 2018;
Tác giả: Hồng Phương - Nho Nam
- Xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công an nhân dân thực sự trong sạch, vững mạnh (01.06.2022)
- “Xây dựng một tương lai chung cho mọi sự sống” (31.05.2022)
- Thông tư mới quy định Thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại trong CAND (31.05.2022)
- Quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai (25.05.2022)
- Tập huấn công tác Thi hành án hình sự, Tạm giữ, tạm giam và Hỗ trợ tư pháp tại CA tỉnh Tiền Giang (10.05.2022)
- Nâng cao cảnh giác, quyết liệt đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản (01.05.2022)
- Bộ Chính trị ban hành Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030 (27.04.2022)
- Dự thảo các tiêu chí cải cách hành chính và xác định chỉ số cải cách hành chính trong CAND (21.04.2022)
- Bảo vệ quyền trẻ em góp phần phòng, chống bạo lực gia đình theo pháp luật Việt Nam (17.04.2022)