Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng công tác bảo vệ an ninh biển trước sự tác động ảnh hưởng của an ninh phi truyền thống, bài viết đã đề xuất các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác này thời gian tới, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước giai đoạn hiện nay.
Việt Nam đang đứng trước những thách thức, đe doạ gây cản trở cho việc bảo về chủ quyền biển, đảo và phát triển các ngành kinh tế biển từ an ninh phi truyền thống (ANPTT) trong giai đoạn hiện nay… Vì vậy, việc bảo vệ an ninh biển, đảo là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Bảo đảm an ninh biển, đảo nhằm khai thác những tiềm năng to lớn của biển là đòi hỏi khách quan của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ an ninh và phát triển kinh tế biển, những năm qua, Đảng ta đã có những quyết sách mang tầm chiến lược.
Trước Đại hội IX, Đảng Cộng sản Việt Nam tuy chưa chính thức sử dụng khái niệm an ninh phi truyền thống trong văn kiện chính trị của mình nhưng đã từng chỉ ra những dấu hiệu, những vấn đề của an ninh phi truyền thống. Đại hội VIII (6-1996) cho rằng: “Thế giới đứng trước nhiều vấn đề có tính toàn cầu (bảo vệ môi trường, hạn chế sự bùng nổ về dân số, phòng ngừa và đẩy lùi những bệnh tật hiểm nghèo...), không một quốc gia nào có thể tự giải quyết, mà phải có sự hợp tác đa phương”. Đại hội IX (tháng 01-2001) tiếp tục khẳng định các tinh thần của Đại hội VIII và bổ sung thêm vấn đề chống tội phạm quốc tế vào nội dung này. Đại hội X bổ sung và phát triển: “Nhiều vấn đề toàn cầu bức xúc đòi hỏi các quốc gia và các tổ chức phối hợp giải quyết; khoảng cách chênh lệch giữa các nhóm nước giàu và nước nghèo ngày càng lớn; sự gia tăng dân số cùng với các luồng di cư; tình trạng khan hiếm nguồn năng lượng, cạn kiệt tài nguyên, môi trường tự nhiên bị hủy hoại; khí hậu diễn biến ngày càng xấu, kèm theo những thiên tai khủng khiếp; các dịch bệnh lớn, các tội phạm xuyên quốc gia có chiều hướng tăng”. Phải đến Đại hội XI của Đảng (tháng 4-2011) mới chính thức sử dụng khái niệm an ninh phi truyền thống với các vấn đề được chỉ ra, như: chống khủng bố, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn chế bùng nổ dân số, phòng ngừa và hạn chế dịch bệnh hiểm nghèo. Đại hội XII (tháng 01-2016) đặt an ninh phi truyền thống bên cạnh an ninh truyền thống, chỉ ra một số vấn đề toàn cầu như an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, an ninh mạng, xung đột sắc tộc, tôn giáo, khủng bố. Đồng thời có lưu ý đến “các hình thái chiến tranh kiểu mới” với hàm ý khả năng chuyển hóa giữa an ninh phi truyền thống và an ninh truyền thống.
Đặc biệt, Đại hội XIII của Đảng năm 2021 đã tiếp tục khẳng định nhận thức, quan điểm nhất quán về nội dung, thách thức của ANPTT đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đại hội nhấn mạnh: “Những vấn đề toàn cầu như: bảo vệ hòa bình, an ninh con người, thiên tai, dịch bệnh, an ninh xã hội và an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường... tiếp tục diễn biến phức tạp”, [1]“Những vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng đa dạng, phức tạp, tác động mạnh mẽ”[2], từ đó, đề ra nhiệm vụ “sẵn sàng ứng phó hiệu quả các thách thức an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống”...; [3] bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh thông tin truyền thông, an ninh mạng và an ninh xã hội. Kịp thời đấu tranh trấn áp có hiệu quả các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao. Chủ động phối hợp với các quốc gia bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; xử lý các vấn đề ANPTT, tạo vành đai bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về quốc phòng, an ninh phù hợp với hội nhập quốc tế và yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.[4]
Đại hội XIII của Đảng đặt ra nhiệm vụ phải ứng phó với các mối đe dọa ANPTT và một trong các giải pháp là hoàn thiện chính sách, pháp luật, bởi lẽ, ngoài các mối đe dọa ANPTT có thể khiến một quốc gia, thể chế, chế độ lung lay, bất ổn, sụp đổ, tiêu vong mà không cần bất kỳ một hoạt động chiến tranh quân sự nào; cùng với đó, nhiều nội dung của ANPTT còn ảnh hưởng đến tất cả các nước, trong khu vực hay trên toàn thế giới, như vấn đề an ninh môi trường, dịch bệnh truyền nhiễm... không chỉ ảnh hưởng đến một quốc gia mà có thể lan tràn, ảnh hưởng đến nhiều quốc gia khác. Đặc biệt, các mối đe dọa của ANPTT thậm chí được chuyển hóa dẫn đến các vấn đề an ninh truyền thống, an ninh quân sự bởi đặc tính “lan tỏa nhanh” và “xuyên quốc gia”.[5]
Với một quốc gia có ba mặt giáp biển như Việt Nam thì an ninh biển có tầm quan trọng vô cùng đặc biệt. Trong sự nghiệp cách mạng hiện nay, biển đảo Việt Nam không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội mà còn có vai trò như cửa ngõ quốc gia làm tăng chiều sâu phòng thủ đất nước ra hướng biển trên phương diện quốc phòng - an ninh (QP-AN). Hiểu một cách khái quát, “an ninh biển” là trạng thái ổn định, an toàn, không có các mối đe dọa xuất phát từ biển và các vùng đất đối với các hoạt động bình thường của các nước, các tổ chức, cá nhân trên biển hoặc các mối đe dọa từ biển đối với các hoạt động bình thường của các nước, các tổ chức, cá nhân trên đất liền. Dưới góc độ QP-AN, an ninh biển bao gồm cả an ninh truyền thống (ANTT) và ANPTT. Trong xu thế phát triển của khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay thì ANPTT ngày càng có tính phổ biến, đáng quan ngại. Trong lịch sử phát triển thế giới, chưa có khi nào nhân loại đạt được những bước tiến dài trên con đường phát triển như ngày nay, nhưng cũng chưa bao giờ con người phải đối mặt với những nguy cơ đe dọa đến chính sự tồn vong như bây giờ, đó là tình trạng cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thảm họa thiên tai, dịch bệnh, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia... Các vấn đề ANPTT trên biển cũng đã và đang bao gồm những nội dung trên, gây ảnh hưởng trực tiếp đến nền ANTT của các quốc gia. Thời gian qua, các vấn đề ANPTT trên biển có xu hướng gia tăng và đang tạo ra thách thức mới đối với tính vững chắc của QP-AN và ổn định của khu vực, đe dọa đến sự phát triển của quốc gia. Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam nhận định “Các yếu tố đe dọa ANPTT, tội phạm công nghệ cao tiếp tục gia tăng. Những vấn đề toàn cầu như an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh... sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp”. Mối đe dọa ANPTT đã và đang thách thức đối với nền độc lập dân tộc, nhất là trong điều kiện an ninh trên vùng biển, đảo có những bất ổn như hiện nay, đó là nạn khủng bố, cướp biển, vận chuyển ma túy, xuất nhập cư trái phép; buôn lậu, gian lận thương mại trên biển; biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên biển; các tập đoàn kinh tế nước ngoài lợi dụng đầu tư, liên kết, liên doanh cùng khai thác để chi phối, khống chế nền kinh tế biển...
Theo số liệu báo cáo năm 2021 của Trung tâm Thông tin, dữ liệu biển và hải đảo quốc gia, Việt Nam có bờ biển dài trên 3.260 km, có diện tích các vùng lãnh hải thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên 01 triệu km2, gấp 03 lần lãnh thổ, với 02 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và trên 3.000 đảo và quần đảo khác. Diện tích biển của Việt Nam chiếm 29% diện tích Biển Đông. Bình quân 100km2 đất liền có 01 km đường bờ biển, trong khi tỷ lệ này của thế giới là 600km2/km. Cứ khoảng 01 km2 đất liền thì có gần 04 km2 vùng lãnh hải và đặc quyền kinh tế. Tỷ lệ này gấp khoảng 1,6 lần so với mức trung bình của thế giới. Việt Nam có trên 50% dân số sống ở 28 tỉnh, thành phố ven biển. Nhiều khu vực bờ biển, cũng như các đảo ở nước ta có vị trí địa lý rất trọng yếu đối với phát triển kinh tế và an ninh, quốc phòng, đặc biệt là khu vực Biển Đông. Biển Đông là một biển lớn, đứng thứ hai thế giới sau biển San Hô ở phía Đông Australia. Chiều dài của Biển Đông khoảng 3.000 km, chiều ngang nơi hẹp nhất từ Mũi Cà Mau đến đảo Borneo thuộc Indonesia gần 1.000 km; diện tích khoảng 3.447.106 km2, gấp 1,5 lần Địa Trung Hải. Trong biển có hai vịnh lớn là vịnh Bắc Bộ ở phía Bắc (diện tích khoảng 150.000 km2) và vịnh Thái Lan ở phía Nam (462.000 km2). Biển Đông có con đường hàng hải tấp nập thứ hai trên thế giới, nhiều eo biển thông ra Thái Bình Dương, kết nối với Ấn Độ Dương qua eo biển Malacca, là đường thủy huyết mạch nối các quốc gia nằm ở Đông Á, Thái Bình Dương với Trung Cận Đông, châu Phi và châu Âu[6].
Thực tiễn cho thấy, tình hình an ninh hàng hải khu vực Biển Đông thời gian qua diễn biến rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng các vụ việc nghiêm trọng, gây thiệt hại về người, tài sản và ảnh hưởng lớn đến môi trường an ninh trên biển. Theo thống kê, những năm qua đã có một số tàu vận tải biển của Việt Nam bị cướp biển tấn công; gia tăng số vụ xô xát trên vùng biển Vịnh Thái Lan giữa ngư dân Việt Nam với tàu Thái Lan và Campuchia; hơn 70 tàu cá Việt Nam bị bắt giữ trên các vùng biển giáp ranh với Indonesia, Thái Lan, Campuchia và Malaysia [7]; nhiều tàu thuyền nước ngoài đã tấn công, đâm, gây thiệt hại cho tàu cá của ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Điều đáng chú ý là, phát triển kinh tế biển là một mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố QP - AN ở nước ta. Kinh tế biển bao gồm nhiều ngành: hàng hải (vận tải biển); đánh bắt và nuôi trồng hải sản; khai thác dầu khí; du lịch biển; diêm nghiệp; dịch vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; phát triển kinh tế đảo… Trong đó, hàng hải ở nước ta đang là ngành có tiềm năng lớn vì Việt Nam có lợi thế là vùng biển nằm ngay trên một số tuyến hàng hải chính của quốc tế qua Biển Đông, trong đó có tuyến đi qua eo biển Malacca - là một trong những tuyến có lượng tàu bè qua lại nhiều nhất thế giới. Theo dự báo, trong một vài thập kỷ tới, với nhu cầu và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của các nước trong khu vực sẽ làm gia tăng khối lượng hàng hóa vận chuyển qua khu vực Biển Đông gấp hai, ba lần hiện nay, khi đó Biển Đông nói chung và vùng biển Việt Nam nói riêng càng có vai trò to lớn trong thương mại thế giới, vùng biển Việt Nam sẽ trở thành chiếc cầu nối quan trọng để phát triển kinh tế trong nước và giao thông thương mại quốc tế. Trong khi đó, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại trên biển với các phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt cũng là nguy cơ, thách thức lớn đối với các cơ quan chức năng nói chung và lực lượng CAND, QĐND nói riêng. Vì vậy, việc chủ động ngăn ngừa các mối đe dọa ANPTT sẽ tạo lập được một môi trường chính trị ổn định, gia tăng các mối quan hệ thương mại trên biển giữa nước ta với các nước trong khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó, đánh bắt hải sản là nghề biển truyền thống có thế mạnh của nước ta, là yếu tố nòng cốt trong việc thực hiện ba mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội biển, đảo đó là: khai thác tiềm năng nguồn lợi hải sản phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; tạo công ăn việc làm, thu nhập, cải thiện đời sống ngư dân các tỉnh ven biển; đảm bảo sự hiện diện, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc ở nước ta là sức mạnh phát huy khối đoàn kết toàn dân tộc, trên tất cả các phương diện. Ngư dân là lực lượng quan trọng trong xác lập và thực hiện chủ quyền quốc gia trên biển, họ chỉ thực sự an tâm ra khơi khi được tuyên truyền và bảo vệ bằng pháp luật về biển, được bảo đảm sự an toàn về tính mạng và tài sản thông qua “lá chắn” hoạt động tuần tra, kiểm soát, thực thi nhiệm vụ trên biển của các lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng CAND và QĐND. Một trong những mối đe dọa của ANPTT với an ninh biển hiện nay là tình trạng ô nhiễm môi trường biển. Ở nước ta những năm vừa qua, tình trạng biến đổi khí hậu cùng với việc quản lý chưa chặt chẽ hoạt động khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường biển dẫn đến thực trạng nhiều nguồn tài nguyên khoáng sản biển đang bị khai thác quá mức, thiếu tính bền vững; môi trường biển ở một số nơi bị ô nhiễm đến mức báo động; nạn phá hủy rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn cũng ngày một tăng. Cùng với đó, tình trạng đánh bắt thủy sản bằng chất huỷ diệt, đánh bắt cá thể non, đánh cắp san hô vẫn diễn ra làm giảm đa dạng sinh học trên biển; độ đục của nước biển tăng cao do ảnh hưởng của hoạt động trên vịnh và ven bờ làm cho san hô bị chết nhiều; làm tăng khả năng bị tổn thương, là nguy cơ làm chậm quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mặt khác, trong điều kiện bùng phát của công nghệ thông tin, xuất hiện một loại tội phạm mới rất nguy hiểm, đe dọa trực tiếp tới QP-AN, đó là tội phạm an ninh mạng, tội phạm công nghệ cao. Các đối tượng này tìm cách đánh cắp các thông tin mật về an ninh quốc gia, về chiến lược phát triển kinh tế, quân sự - quốc phòng, về sách lược ứng phó các vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển… Thông qua đó, lợi dụng chiến lược “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch sẽ “tung hỏa mù”, đưa “ý kiến tham luận” để gây chia rẽ nội bộ, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước trong quá trình giải quyết các sự việc liên quan đến vấn đề an ninh biển, ô nhiễm môi trường biển gây tổn hại nghiêm trọng đến hiệu quả công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế của Việt Nam với các quốc gia, khu vực.
Hiện nay, trong tình hình mới ở biển Đông có nhiều phức tạp, Việt Nam cần cảnh giác hơn nữa trước mọi âm mưu; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Trong đó, mặc dù không có cơ sở pháp lý nào nhưng Trung Quốc vẫn lập lờ sử dụng “đường 9 đoạn”, hay còn gọi là “đường lưỡi bò” để biện minh cho các yêu sách phi lý của mình. Đặc biệt, 08 năm qua, kể từ khi bị Tòa Trọng tài quốc tế trong vụ Philippines kiện Trung Quốc bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” vì trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và không dựa trên các bằng chứng pháp lý nào, Trung Quốc vẫn muốn dùng sức mạnh của mình để áp đặt trên thực tế. Để thực hiện các hành vi xâm lấn, ức hiếp, đe dọa các tàu cá của các nước khác, mà tránh được sự lên án của quốc tế, Trung Quốc sử dụng các lực lượng chấp pháp như cảnh sát biển, hải giám cùng các tàu dân quân biển trá hình thành các tàu cá bình thường. Theo dữ liệu theo dõi tàu thuyền và hình ảnh vệ tinh, ngay từ đầu tháng 1/2020, tàu “dân quân biển” Trung Quốc đã qua lại cụm đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngày 14/3/2020, ngày Việt Nam kỷ niệm 32 năm sự kiện Gạc Ma, các tàu “dân quân biển” Trung Quốc lại bị phát hiện qua lại khu vực Đá Gạc Ma, ở phía Tây Nam cụm đảo Sinh Tồn. Dữ liệu của Global Fishing Watch (Hệ thống giám sát đánh cá toàn cầu) cho thấy Trung Quốc có các hoạt động đánh bắt cá quy mô nhất và phạm vi xa nhất trên thế giới, thậm chí vượt cả 10 quốc gia lớn nhất cộng lại. Nước này đã triển khai 672.000 tàu cá sử dụng ống dài gắn động cơ, trong đó có 2.500 tàu cá đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, chúng ta khó có thể tìm thấy cá trên những tàu "dân quân biển" với hàng ngàn thuyền viên được huấn luyện quân sự bài bản này. Giáo sư Andrew Erickson thuộc Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc (CMSI), Đại học Hải chiến Mỹ, dẫn chứng "dân quân biển" Trung Quốc đã triển khai ít nhất 84 tàu, được đóng có chủ đích với vòi rồng công suất lớn và gia cố vỏ thép, sẵn sàng cho các vụ va chạm, gây hấn trên biển. Với lực lượng dân sự trá hình này, Trung Quốc tìm mọi cách để thực hiện tham vọng độc chiếm biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế. Chính vì vậy, để chống lại các hành động sai trái đó, Việt Nam cần sự chung tay, cùng lên tiếng của cộng đồng thế giới. Do vậy, cần cảnh giác hơn nữa trước mọi âm mưu của Trung Quốc, kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đã được xác lập tại Công ước Liên Hiệp (Hợp) Quốc về Luật Biển năm 1982 bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Điều cần đặc biệt chú ý là, sự xuất hiện ANPTT trên vùng biển, đảo không biệt lập với ANTT (bảo vệ đất nước trước các mối đe dọa hoặc tấn công bằng chính trị, quân sự từ bên ngoài và bên trong), có thể xâm nhập và chuyển hóa nhau như từ việc tranh chấp quyền lực, lãnh thổ trên biển đang từng bước chuyển hóa thành tranh chấp các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội từ biển, đảo (kinh tế hóa chính trị). Hay việc tận dụng ưu thế đi trước, có trình độ khoa học công nghệ trong làm chủ, khai thác nguồn lực kinh tế biển để chủ động sử dụng các thủ đoạn, cơ hội làm sâu sắc thêm mâu thuẫn, trầm trọng thêm những khó khăn nhằm đẩy nhanh việc xóa bỏ chủ quyền quốc gia, chế độ chính trị của nước khác. An ninh quốc gia nói chung, an ninh biển nói riêng chỉ thực sự được đảm bảo khi mọi quá trình phát triển phải gắn với tính bền vững. Vì vậy, để giải quyết các thách thức ANPTT trên biển, một mặt nước ta cần huy động tối đa nội lực (sức mạnh kinh tế, chính trị - tinh thần, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ…); mặt khác phát huy yếu tố ngoại lực, mở rộng và nâng cao hiệu quả quan hệ hợp tác quốc tế trên những nguyên tắc cơ bản, vì mục tiêu bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Trong xu thế hiện nay, lực lượng vũ trang nói chung, lực lượng CAND và QĐND nói riêng cần chú trọng thực hiện một số nội dung sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các mối đe dọa ANPTT trên vùng biển, đảo. Các cấp ủy Đảng cần chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật. Nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ và toàn thể nhân dân về tính nguy hại của thách thức ANPTT ở vùng biển, đảo; quyền lợi, trách nhiệm của công dân trong phòng, chống thách thức ANPTT. Định hướng biện pháp giải quyết hài hòa mối quan hệ tương tác giữa ANTT và ANPTT trong bối cảnh toàn cầu hóa đồng thời ứng phó với ANPTT ở vùng biển, đảo một cách chủ động, linh hoạt. Tiếp tục giáo dục, tuyên truyền quan điểm của Đảng, Nhà nước về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới theo Nghị quyết số 28-NQ/TW về chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới nhằm tạo nên sự thống nhất rộng rãi trong nhận thức của toàn quân về yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trước các mối đe dọa ANPTT. Cùng với đó, cần chủ động dự báo những mối đe dọa của ANPTT đối với công cuộc giữ vững chủ quyền biển đảo, việc dự báo phải thấy được những uy hiếp từ các mối đe dọa đó, đặc biệt đối với những vấn đề liên quan trực tiếp đến đất nước, đến đời sống nhân dân, đến biến đổi khí hậu, dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao, thiên tai... Việc dự báo cũng phải tính đến âm mưu, thủ đoạn lợi dụng hợp tác quốc tế về khai thác tài nguyên, du lịch biển, ứng phó với các mối đe dọa ANPTT trong khu vực để chống phá nền độc lập dân tộc của đất nước.
Hai là, tăng cường công tác đối ngoại quốc phòng và hợp tác quốc tế trong giải quyết các vấn đề biển, đảo. Tích cực mở rộng quan hệ hợp tác với các nước, các tổ chức trong khu vực và quốc tế để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp chặt chẽ, tạo nguồn lực và sức mạnh tổng hợp để đối phó có hiệu quả với những thách thức từ ANPTT, nhất là vấn đề về thảm họa thiên tai do biến đổi khí hậu, khủng bố, nạn cướp biển, dịch bệnh cùng các thảm họa về môi trường… Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác, phối hợp với các nước và tổ chức quốc tế, cơ quan an ninh nhằm thiết lập hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế hợp tác với các nước trong khu vực và quốc tế. Chú trọng tăng cường tham mưu hợp tác với các nước ASEAN để phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, biến đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên, bảo đảm an ninh biển, cùng với các chương trình, kế hoạch và cơ chế phù hợp. Tuyên truyền và phối hợp với các lực lượng quân sự nước bạn, nhất là các nước có chung biên giới trên biển về công tác nghiên cứu, đánh giá, dự báo kịp thời tác động của ANPTT trên biển... Tham gia tích cực và có trách nhiệm vào tiến trình hợp tác quốc tế, khu vực trong phòng, chống thách thức ANPTT vùng biển, đảo. Xử lý đúng đắn mối quan hệ chiến lược giữa an ninh sinh tồn và an ninh phát triển ở các vùng biển, đảo chiến lược. Tích cực tham gia các cơ chế đối thoại khu vực và quốc tế để tăng cường, mở rộng hợp tác nội khối ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối tác trong phòng, chống thách thức ANPTT trên biển. Thường xuyên tham gia các Hội nghị, diễn đàn đối thoại với các quốc gia trong khu vực để trao đổi và thống nhất các vấn đề trong bảo đảm an ninh biển... Đây là các kênh đối thoại tầm chiến lược để các nước ASEAN và ASEAN với các nước đối tác trao đổi quan điểm, tạo sự đồng thuận trong nhận thức; xác định cơ chế, chính sách hợp tác trong đối phó với các thách thức ANPTT nói chung và ANPTT trên biển nói riêng phù hợp với thông lệ quốc tế và mục tiêu phát triển của mỗi quốc gia.
Ba là, chú trọng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo QP-AN vùng biển, đảo. Nhất quán quan điểm: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa - xã hội với QP-AN trong từng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo…”, đầu tư xây dựng các chiến lược, quy hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên biển, kết hợp chú trọng phát triển môi trường xanh, bền vững, đồng thời tăng cường đầu tư các nguồn lực và hoạch định cơ chế chính sách xã hội hóa trong phòng, chống thảm họa thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Việc phát triển công nghiệp, vận tải biển và công nghiệp ven bờ cần nằm trong tính tổng thể với Chiến lược phát triển kinh tế biển, chủ động phòng ngừa những hệ lụy đối với môi trường biển như đã xảy ra. Kết hợp chặt chẽ giữa thúc đẩy nhanh quá trình dân sự hóa với xây dựng thế trận QP-AN trên biển vững mạnh, đủ khả năng bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Dân sự hóa các vùng biển, đảo vừa là cơ sở để khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên trên biển, vừa là tiền đề để xây dựng, củng cố và phát huy lực lượng tại chỗ phục vụ chiến lược QP-AN trên biển. Điều chỉnh Chiến lược phát triển kinh tế biển kết hợp với tăng cường QP-AN trên biển phù hợp với tư duy mới về biển và đại dương; lực lượng CAND và QĐND cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác dân vận, xây dựng cơ sở chính trị - xã hội vững chắc ở vùng biển, huyện đảo. Cùng với nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, thực thi nhiệm vụ trên biển, phối hợp các lực lượng khác tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, chống buôn lậu, gian lận thương mại, tuyên truyền về pháp luật cho ngư dân... Tiếp tục đẩy mạnh giáo dục QP-AN cho toàn dân, phối hợp lực lượng Hải quân, chính quyền địa phương trong thực hiện công tác vận động ngư dân bám biển, phát triển kinh tế, an cư lập nghiệp ở các huyện đảo; cần xây dựng lực lượng Kiểm ngư đủ mạnh để bảo vệ việc khai thác, đánh bắt hải sản của ngư dân trên biển, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển; đồng thời kiểm tra, giám sát, phát hiện, ngăn chặn các hành động khai thác hải sản trái phép của nước ngoài trên vùng biển của Việt Nam. Các địa phương ven biển, huyện đảo phải có lực lượng dân quân tự vệ vừa tham gia sản xuất, khai thác hải sản, vừa làm nhiệm vụ giữ gìn ANTT trên biển, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành động xâm phạm lợi ích, chủ quyền quốc gia.
Bốn là, xây dựng lực lượng CAND và QĐND vững mạnh đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh biển, đảo. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước. Hiện đại hóa, nâng cao sức chiến đấu của hải quân, không quân, bộ đội biên phòng, CSB, những binh chủng hợp thành các quân đoàn, quân khu ven biển và hải đảo. Tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Xây dựng lực lượng vũ trang thành chỗ dựa vững chắc cho những lực lượng dân sự làm kinh tế biển. Xây dựng lực lượng CAND bảo đảm đủ sức là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ an ninh chính trị, kinh tế, TTATXH vùng biển, hải đảo và các vùng ven biển. Bảo đảm ANTT là điều kiện để phát triển kinh tế, nâng cao năng lực quốc phòng. Điều này lại càng cần thiết trong điều kiện biển và hải đảo, nơi gắn liền với công tác bảo vệ sự toàn vẹn biên giới, lãnh thổ. Trình độ bảo đảm ANTT thể hiện trình độ, năng lực làm chủ vùng biển quốc gia.
Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, tác động nhiều chiều tới môi trường đối ngoại của nước ta. Thế giới đang trong thời kỳ quá độ chuyển từ trật tự “nhất siêu, đa cường” sang một trật tự mới với đặc điểm nổi bật là “đa trung tâm, đa tầng nấc”. Quan hệ giữa các nước lớn, nhất là giữa ba nước Mỹ - Nga - Trung Quốc cũng có những thay đổi sâu sắc. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang chứng kiến nhiều diễn biến nhanh chóng, nhất là sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, Ấn Độ dẫn đến thay đổi tương quan so sánh lực lượng; tiến trình hội nhập khu vực Đông Nam Á đã chuyển sang giai đoạn mới với việc hình thành các cộng đồng ASEAN; tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, khó có thể dự báo chính xác được chiều hướng vấn đề trong thời gian tới và Việt Nam đang đứng trước những thách thức gay gắt về bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo; về khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường biển; về tình trạng ô nhiễm môi trường biển… Vì vậy, việc bảo vệ an ninh biển, đảo, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu của Đảng, Nhà nước và của toàn dân./.
* Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 22/9/1997, của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
2. Nguyễn Bá Diến (2006), Chính sách pháp luật biển của Việt Nam và chiến lược phát triển bền vững, Sách chuyên khảo, Nxb. Tư pháp, Hà Nội.
3. Liên Hợp Quốc (1982), Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 (Bản dịch tiếng Việt), Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
4. Lê Quý Quỳnh (2012), Các hiệp định phân định biển giữa Việt Nam và các nước láng giềng, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
5. Trần Công Trục (2011), Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông, Nxb. Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.
6. Trung tâm Thông tin, dữ liệu biển và hải đảo quốc gia Việt Nam.
7. Ủy ban Hải Dương học Chính phủ (2010), Chính sách biển quốc gia (bản dịch Tiếng Việt), Hà Nội.
8. Văn kiện Đại hội XI, XII, XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.
9. Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (2009), Biển Đông: Tập I, II, III, IV, Nxb. Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, Hà Nội.
10. Anthony J. Masys: Exploring the Security Landscape: Non-Traditional Security Challenges, Springer, 2016, tr. 1
[1] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 106 - 107
[2] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr.208
[3] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr.209
[4] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr.210
[5] Xem: Anthony J. Masys: Exploring the Security Landscape: Non-Traditional Security Challenges, Springer, 2016, tr. 1
[6] Trung tâm Thông tin, dữ liệu biển và hải đảo quốc gia Việt Nam.
ThS Nguyễn Chí Thành – Trường Đại học CSND
- Chiến dịch Điện Biên Phủ và ý nghĩa đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa (14.04.2024)
- Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản (11.04.2024)
- Tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng (10.04.2024)
- Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng (05.04.2024)
- Nguyễn Lương Bằng - người Cộng sản kiên trung, mẫu mực (02.04.2024)
- Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng (02.04.2024)
- Xây dựng và thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển đất nước giai đoạn mới (02.04.2024)
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Một nhân cách lớn, một người cộng sản mẫu mực (01.04.2024)
- Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (01.04.2024)