Trụ sở chính: 36 Nguyễn Hữu Thọ - Phường Tân Phong - Quận 7 - TP. Hồ Chí Minh

Bảo đảm cao nhất an ninh con người trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19

Ngày đăng: 22.11.2021

Trang thông tin điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết "Bảo đảm cao nhất an ninh con người trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19". Nội dung bài viết khái quát những quyết sách, chiến lược của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an trước thách thức đe dọa an ninh con người và những nỗ lực của lực lượng Công an nhân dân tăng cường bảo đảm an ninh con người trong bối cảnh dịch bệnh.

 

So với Đại hội XII, vấn đề “an ninh con người” tại Đại hội XIII của Đảng được chú trọng và đề cao, trở thành một trong những mục tiêu của quốc phòng, an ninh và được đề cập trong nhiều nội dung của Văn kiện Đại hội.

Đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an tại Hội nghị trực tuyến quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh “An ninh con người là trạng thái người dân được sống ổn định, an toàn, không bị đe dọa bởi các nguy cơ xâm hại; bảo vệ an ninh con người là bảo đảm và thực thi đầy đủ các quyền con người, quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013, bảo đảm mọi người dân được sống ấm no, tự do, hạnh phúc trong một môi trường xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh”. 

Trong bối cảnh dịch Covid-19, quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, toàn lực lượng Công an nhân dân đã triển khai đồng bộ lực lượng, phương tiện, biện pháp, với quyết tâm, nỗ lực cao nhất ngăn chặn, đẩy lùi các nguy cơ, thách thức đe dọa an ninh quốc gia, an ninh con người. Những hình ảnh đẹp của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân không quản khó khăn, vất vả, hy sinh, ngày đêm căng mình kiên trì bám chốt, bám cơ sở, nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực phấn đấu giữ vững an ninh, trật tự; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, bảo đảm cao nhất an ninh con người trong mọi tình huống đã chạm đến trái tim triệu người dân Việt Nam trên khắp mọi miền Tổ quốc.

 

 

Trước hết phải kể mối đe dọa an ninh con người từ âm mưu, hoạt động của các đối tượng phản động trong và ngoài nước.

Các đối tượng triệt để lợi dụng không gian mạng ráo riết triển khai “chiến dịch truyền thông về thảm họa dịch Covid-19 tại Việt Nam” tác động đến tâm lý lo sợ của người dân; liên tục soạn thảo, tán phát hơn 30.000 đầu tài liệu, video clip, phát động 11 chiến dịch, kế hoạch xuyên tạc tình hình cũng như công tác phòng chống dịch của Đảng, Nhà nước; đề ra cái gọi là “kế hoạch hành động khẩn cấp”, khoét sâu, tô vẽ về những khó khăn, phức tạp do dịch Covid-19 ở Việt Nam; kêu gọi, kích động dư luận trái chiều, “phản kháng” của người dân về chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch; xuyên tạc các chính sách hỗ trợ người lao động, kích động người dân “lên tiếng” đòi hỏi quyền lợi, “xuống đường”, tụ tập gây rối an ninh, trật tự, biểu tình, gây bất ổn xã hội, ý đồ tạo các “đốm lửa nhỏ” có ý nghĩa “ngòi nổ” để tập hợp lực lượng, tập dượt biểu tình chống phá Đảng, Nhà nước khi có thời cơ.

Nhiều cá nhân và tổ chức phản động trong và ngoài nước triệt để lợi dụng “chiêu bài” hỗ trợ nhân đạo, từ thiện để tiếp cận, lôi kéo, kích động công nhân, người lao động tham gia các tổ chức phản động lưu vong, dự các khóa huấn luyện và tham gia các hoạt động gây rối an ninh, trật tự. Nguy hiểm hơn, phát hiện tổ chức khủng bố “Việt tân” âm mưu thực hiện kế hoạch “Bùng nổ vì dịch Covid-19” hòng đẩy cao sự “phẫn uất” của nhân dân, kích động biểu tình; đưa thành viên cốt cán bên ngoài xâm nhập về nước chỉ đạo, kích động số công nhân ở các khu công nghiệp gây rối an ninh, trật tự, ghi âm, ghi hình phát tán lên không gian mạng, thổi phồng sự phức tạp của tình hình, ý đồ tạo hiệu ứng “Domino” để gây biểu tình, bạo loạn quy mô lớn; phát hiện tổ chức khủng bố “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” và một số hội, nhóm phản động trên không gian mạng (“Cờ vàng”, “Bạn phải lên tiếng”…) tán phát lời kêu gọi “ba sạch” (đốt sạch, phá sạch, giết sạch) tại các khu cách ly ở các tỉnh phía nam; hứa hẹn sẽ cung cấp vũ khí (súng, lựu đạn) cho người dân để chống lại lực lượng chức năng.

 

Tính riêng trong quý III/2021 (thời điểm dịch bệnh diễn biến rất phức tạp tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam), phát hiện hơn 28.000 thông tin gốc có nội dung xấu, độc trên mạng xã hội, tăng 200% so với 6 tháng đầu năm; hàng trăm hội, nhóm kín trên không gian mạng liên quan công nhân tại các khu công nghiệp, người dân tại các khu cách ly, phong tỏa chia sẻ nhiều nội dung xấu độc, chưa được kiểm chứng kích động biểu tình, gây rối.

An ninh kinh tế, an ninh xã hội trong bối cảnh dịch bệnh cũng diễn biến hết sức phức tạp, tác động nhiều mặt đến cuộc sống người dân. Nhiều doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu bị phá sản/giải thể/tạm ngưng hoạt động (từ tháng 4/2021 đến tháng 8/2021 trung bình mỗi tháng có khoảng 11.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường); hơn 2,2 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp hoặc thiếu việc làm.

An ninh công nhân, an ninh tại khu kinh tế, khu công nghiệp trong quá trình triển khai các phương án sản xuất diễn biến rất phức tạp. Tình trạng ngừng việc tập thể, tập trung đông người thậm chí phản ứng quyết liệt yêu cầu cho tạm nghỉ việc ở các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” tiềm ẩn các yếu tố “ngòi nổ” mà các đối tượng phản động triệt để lợi dụng kích động biểu tình gây mất an ninh, trật tự.

Dịch bệnh gây ra những thiệt hại lớn đối với kinh tế Việt Nam, ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung ứng, kho vận và dòng tiền lưu thông, giảm sản xuất trong nước, đặt ra thách thức trong giảm nợ công, giải quyết các vấn đề xã hội và vấn đề liên quan doanh nghiệp vừa và nhỏ, gia tăng rủi ro “bong bóng” trên thị trường chứng khoán, bất động sản; khủng hoảng về thanh khoản hệ thống tài chính tiền tệ quốc gia, tác động nhiều mặt đến việc làm, thu nhập, tạo ra những rủi ro lớn cho nhà đầu tư, người dân.

Về an ninh xã hội, hàng loạt sơ hở, thiếu sót trong triển khai các gói hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội, cung ứng thực phẩm, hệ thống y tế quá tải, vaccine, một số nơi phát sinh tiêu cực, lợi dụng chính sách để trục lợi, vi phạm pháp luật đã gây bức xúc, phản ứng tiêu cực trong một bộ phận người dân, thậm chí có nơi người dân phản ứng gay gắt, dẫn tới hàng chục vụ việc với hàng nghìn người dân kéo đến trụ sở ủy ban nhân dân cấp xã đòi hỗ trợ, xảy ra xô xát giữa người dân với chính quyền và lực lượng làm công tác phòng chống dịch.

An ninh cá nhân trong bối cảnh dịch bệnh cũng bị đe dọa nghiêm trọng. Hoạt động rao bán, chia sẻ trái phép thông tin, dữ liệu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có chiều hướng gia tăng trên các diễn đàn, trang mạng xã hội. Xuất hiện hoạt động thiết lập các trạm BTS giả mạo các doanh nghiệp viễn thông để chặn, chuyển hướng các thuê bao di động của người dùng nhằm thu thập thông tin, dữ liệu để chiếm đoạt tài sản.

 

 

Hoạt động buôn lậu, kinh doanh trái phép, sản xuất, buôn bán hàng giả là các loại thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, máy thở mini, bình oxy, bộ đồ phòng hộ; lợi dụng hoạt động mua bán, đi chợ hộ, đi chợ “online” để chiếm đoạt tiền của người dân gia tăng. Phát hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực, trục lợi trong thực hiện chính sách phòng, chống dịch Covid-19 như tổ chức dịch vụ tiêm vaccine, gian lận danh sách người được nhận tiền hỗ trợ. Hoạt động tổ chức đánh bạc trên không gian mạng phức tạp cả về quy mô và sự đa dạng, nhất là các hoạt động cá cược khi diễn ra các giải đấu thể thao quốc tế lớn.

Trước những thách thức đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc gia, an ninh con người, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, đồng chí Bộ trưởng Tô Lâm đã chỉ đạo toàn lực lượng Công an nhân dân chuyển trạng thái chiến đấu cao nhất, tập trung cao độ công sức, thời gian, ưu tiên mọi nguồn lực thực hiện cho được cùng lúc 3 mục tiêu, yêu cầu, đó là: 

Tích cực tham gia tuyến đầu cùng với y tế, quốc phòng trong công tác phòng, chống dịch bệnh;

Giữ vững ổn định xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, ổn định đời sống của nhân dân, quản trị xã hội, bảo đảm yên dân. 

Đấu tranh phòng, chống mọi âm mưu, hoạt động xâm phạm an ninh, lợi ích quốc gia, xâm phạm trật tự xã hội; củng cố môi trường an toàn, lành mạnh; phục vụ hiệu quả quá trình khôi phục kinh tế, ổn định xã hội.

Cụ thể hóa mục tiêu Đại hội XIII của Đảng về quốc phòng, an ninh, đồng chí Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu công tác bảo vệ an ninh quốc gia trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh phải được tập trung thực hiện với mục tiêu cao nhất.

 

 

Trăn trở với tình hình an ninh, trật tự tại các địa bàn trọng điểm, chiến lược về quốc phòng, an ninh; trăn trở với cuộc sống còn nhiều khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số - cũng là điều kiện mà các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng hòng gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động ly khai, tự trị, đồng chí Bộ trưởng Công an đã tích cực huy động nguồn kinh phí xã hội hóa, chỉ đạo Công an các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Thanh Hóa, Hòa Bình tham mưu với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Đề án hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ nghèo, khó khăn về nhà ở, xây dựng nhà ở bán trú cho học sinh tại các huyện khó khăn của các tỉnh nhằm giải quyết, bảo đảm an ninh quốc gia, an ninh con người từ gốc rễ của vấn đề đó là giải quyết đói nghèo của người dân, bảo đảm an sinh xã hội.

Những việc làm với ý nghĩa nhân văn sâu sắc đã tạo chuyển biến rõ nét về tư tưởng của một bộ phận người dân ảnh hưởng bởi luận điệu “ly khai, tự trị”, tự giác từ bỏ các hành vi vi phạm pháp luật; đã có nhiều địa bàn phức tạp về ma túy được chuyển hóa, kéo giảm số người tin theo các “tà đạo”, số người di cư tự do, xuất cảnh trái phép.

 

Bộ trưởng Tô Lâm và các đại biểu trao tặng nhà và thăm hỏi, động viên hộ gia đình anh Vàng A Lồng, xã Trung Lý, huyện Mường Lát

 

Đau đáu với mục tiêu bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc của người dân ngay từ cơ sở, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, đồng chí Bộ trưởng Công an đặc biệt quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ nhằm đẩy nhanh việc xây dựng Công an xã chính quy.

Mọi nguồn lực dành cho công tác bảo đảm an ninh, trật tự được sử dụng hết sức tiết kiệm để dành kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ, xây dựng nhà công vụ cho 415 Công an xã biên giới; hơn 45.000 đồng chí Công an chính quy được bố trí đảm nhiệm các chức danh Công an xã; trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh lần thứ 4, gần 400 cán bộ Công an ở Bộ được tăng cường đến các xã biên giới trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự.

Từ ngày 30/3/2020 đến 10/3/2021, lực lượng Công an xã chính quy đã xử lý 13.198 vụ, việc về an ninh, trật tự; bắt giữ, xử lý 32.933 đối tượng; bắt, vận động đầu thú 84 đối tượng truy nã, tạo chuyển biến tích cực rõ nét về an ninh, trật tự tại cơ sở, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về trật tự giảm rõ rệt, số lượng tin báo, tố giác tội phạm tiếp nhận được tăng lên so với thời gian trước khi triển khai Công an xã chính quy, góp phần mang lại cuộc sống bình yên hơn cho Nhân dân.

 

Thứ trưởng Công an Nguyễn Duy Ngọc tham gia hiến máu tình nguyện

 

Trước tình hình cấp bách ngân hàng máu cho cấp cứu bệnh nhân khan hiếm do thực hiện các biện pháp giãn cách phòng, chống dịch bệnh, vào tháng 7/2020, hưởng ứng lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhân ngày “Toàn dân hiến máu tình nguyện”, đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an đã có Thư kêu gọi toàn thể cán bộ, chiến sĩ tích cực tham gia tình nguyện hiến máu cứu người với nghĩa cử cao đẹp “một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”.

Bức thư của người đứng đầu ngành Công an đã lay động mọi trái tim chiến sĩ, lan tỏa sâu rộng trong toàn lực lượng Công an. Từ lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong Công an nhân dân đến từng cán bộ, chiến sĩ, dù công tác ở Bộ hay ở địa bàn biên giới xa xôi, dù đang tích cực tham gia truy vết, trực chốt phòng dịch hay thu thập dữ liệu dân cư, đấu tranh phòng, chống tội phạm đều hăng hái tham gia hiến máu tình nguyện; chỉ chưa đầy nửa tháng, hàng nghìn đơn vị máu đã được hiến tặng và hàng trăm nghìn đơn vị máu sẵn sàng hiến tặng. Nhiều hình ảnh đẹp của cán bộ, chiến sĩ Công an hiến máu cứu người bệnh ở khu vực phong tỏa, người bệnh thuộc nhóm máu hiếm… được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

 

Bộ trưởng Tô Lâm cùng đồng bào các dân tộc thiểu số

 

Nhận thức sâu sắc tác động của đại dịch Covid-19 với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và trách nhiệm của lực lượng Công an góp phần thúc đẩy chuyển đổi số để phát triển kinh tế số, xã hội số, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã đề xuất với Đảng, Nhà nước và tập trung chỉ đạo triển khai 2 dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sản xuất, cấp căn cước công dân gắn chip điện tử. Chỉ trong thời gian rất ngắn, với sự nỗ lực cố gắng cao độ của toàn lực lượng Công an nhân dân, sự ủng hộ, giúp đỡ của người dân, sự tạo điều kiện hỗ trợ của các cấp, các ngành, kỳ tích đã được thực hiện với chiến dịch cấp 50 triệu căn cước công dân trên toàn quốc và triển khai cấp số định danh cá nhân, tạo điều kiện thuận lợi góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm giấy tờ, chi phí và thời gian của công dân, giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp giữa người dân với cơ quan hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội. Ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã phục vụ hiệu quả công tác quản lý dân cư vùng dịch và hỗ trợ thực hiện các chính sách an sinh xã hội bảo đảm chính xác, kịp thời.

 

Cán bộ, chiến sĩ Công an không kể ngày đêm cấp căn cước công dân gắn chip điện tử cho nhân dân

 

Những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an mang đậm dấu ấn cá nhân, thể hiện sâu sắc tầm nhìn, trí tuệ và tính nhân văn trong từng mệnh lệnh chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng Công an đã truyền cảm hứng mãnh liệt đến toàn thể lực lượng Công an, hun đúc ý chí, bản lĩnh, sự nỗ lực phấn đấu cao nhất, không quản khó khăn, vất vả, hy sinh, tất cả vì bình yên cuộc sống, vì hạnh phúc nhân dân.

 

Nguồn: http://bocongan.gov.vn/

 

Copyrights © 2020 TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẢNH SÁT NHÂN DÂN
  • Ngày: 51
  • Tuần: 149
  • Tháng: 1502
  • Tổng: 1100200