Cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước trái quy định của pháp luật; Nhũng nhiễu, gây phiền hà, phân biệt đối xử khi giải quyết thủ tục hành chính; Làm sai lệch sổ sách, hồ sơ về căn cước… Đó là những hành vi bị cấm được quy định tại Luật Căn cước công dân 2023.
Ngày 27/11/2023, Quốc hội thông qua Luật Căn cước 2023 gồm 7 chương 46 điều quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, căn cước điện tử; giấy chứng nhận căn cước; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trong đó, Điều 7 của Luật quy định cụ thể 9 hành vi bị nghiêm cấm như sau:
1. Cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước trái quy định của pháp luật.
2. Giữ thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước trái quy định của pháp luật.
3. Nhũng nhiễu, gây phiền hà, phân biệt đối xử khi giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước.
4. Làm sai lệch sổ sách, hồ sơ về căn cước, thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước; không cung cấp, cung cấp không đầy đủ, cung cấp không chính xác, cung cấp trái quy định của pháp luật các thông tin, tài liệu về căn cước hoặc thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước.
5. Không thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước theo quy định tại khoản 2 Điều 19 của Luật này.
6. Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi khác gây cản trở, rối loạn hoạt động của cơ sở hạ tầng thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử.
7. Làm giả, sửa chữa, cố ý làm sai lệch nội dung thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước; chiếm đoạt, sử dụng trái phép thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước của người khác; thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước; sử dụng thẻ căn cước giả, căn cước điện tử giả, giấy chứng nhận căn cước giả.
8. Truy nhập, làm thay đổi, xóa, hủy, phát tán hoặc thực hiện các hoạt động khác liên quan đến xử lý dữ liệu cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử trái quy định của pháp luật.
9. Khai thác, chia sẻ, mua, bán, trao đổi, chiếm đoạt, sử dụng trái phép thông tin, dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử.
Ngoài ra, tại các Điều 24, Điều 25 của Luật đã quy định về các trường hợp phải cấp đổi, cấp lại và trình tự, thủ tục cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước như sau:
Các trường hợp phải cấp đổi thẻ căn cước
Theo quy định tại Điều 24, các trường hợp cấp đổi thẻ căn cước bao gồm:
1. Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật Căn cước (công dân Việt Nam đã được cấp thẻ căn cước phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi).
2. Thay đổi, cải chính thông tin về họ, chữ đệm, tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh.
3. Thay đổi nhân dạng; bổ sung thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay; xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật.
4. Có sai sót về thông tin in trên thẻ căn cước.
5. Theo yêu cầu của người được cấp thẻ căn cước khi thông tin trên thẻ căn cước thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính.
6. Xác lập lại số định danh cá nhân.
7. Khi người được cấp thẻ căn cước có yêu cầu.
Công dân Việt Nam đã được cấp thẻ căn cước phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi (Nguồn: cand.com.vn)
Các trường hợp phải cấp lại thẻ căn cước
1. Bị mất thẻ căn cước hoặc thẻ căn cước bị hư hỏng không sử dụng được, trừ trường hợp quy định tại Điều 21 của Luật này.
2. Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch Việt Nam.
Trình tự, thủ tục cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước
Điều 25 Luật Căn cước quy định về trình tự, thủ tục cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước như sau:
1. Trình tự, thủ tục cấp lại thẻ căn cước đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 24 của Luật này và cấp đổi thẻ căn cước thực hiện theo quy định tại Điều 23 của Luật này.
2. Trường hợp cấp đổi thẻ căn cước do xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính hoặc thay đổi, cải chính thông tin quy định tại điểm b khoản 1 Điều 24 của Luật này mà thông tin đó chưa được cập nhật, điều chỉnh trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì người cần cấp thẻ căn cước phải xuất trình các giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý chứng minh những thông tin đã thay đổi để thực hiện thủ tục cập nhật, điều chỉnh thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
3. Cơ quan quản lý căn cước thu lại thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước đã sử dụng đối với các trường hợp cấp đổi thẻ căn cước.
4. Việc cấp lại thẻ căn cước đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 24 của Luật này được thực hiện trực tuyến trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh quốc gia hoặc trực tiếp tại nơi làm thủ tục cấp thẻ căn cước. Cơ quan quản lý căn cước sử dụng thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt đã được thu nhận lần gần nhất và các thông tin hiện có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước để cấp lại thẻ căn cước.
Luật Căn cước sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
H.P (Tổng hợp)
- Chiến thắng Điện Biên Phủ - Biểu tượng và đỉnh cao của văn hóa giữ nước Việt Nam (05.05.2024)
- Chiến thắng Điện Biên Phủ - Thắng lợi của sức mạnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh (04.05.2024)
- Từ khát vọng đấu tranh giải phóng dân tộc của đồng chí Trần Phú đến khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc hiện nay (03.05.2024)
- Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (1-5-1904 / 1-5-2024): Người đóng góp lớn trong công tác xây dựng Đảng (02.05.2024)
- Một số giải pháp phát triển văn hoá đọc tại Trường Đại học Cảnh sát nhân dân (29.04.2024)