Trong hơn 93 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn hoàn thành “sứ mệnh” lịch sử cao cả của mình là người tổ chức, lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam để “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay”. Có được những thành tựu đó là nhờ chủ trương đường lối đúng đắn, sáng tạo; là sự kết hợp của các phương thức lãnh đạo khoa học, trí tuệ, tài tình, đầy giá trị nhân văn; trong đó có phương thức lãnh đạo thông qua công tác kiểm tra, giám sát và công tác kiểm tra, giám sát là chức năng lãnh đạo chủ yếu của Đảng.
Ban Kiểm tra Trung ương được thành lập ngày 16/10/1948 tại An toàn Khu Định Hóa - Thái Nguyên, theo Quyết nghị số 29/QN/TW của Ban Thường vụ Trung ương Đảng (khoá I). Ban Kiểm tra Trung ương đầu tiên gồm 3 đồng chí là: Trần Đăng Ninh, Nguyễn Thanh Bình, Hà Xuân Mỹ (tức Hà Minh Quốc), do đồng chí Trần Đăng Ninh làm Trưởng ban. Dưới ban Kiểm tra Trung ương là các phái viên có nhiệm vụ “đi xuống các khu xem xét chủ trương của Đảng có được thi hành và có sát, đúng không? đồng thời xem xét sự thi hành kỷ luật trong Đảng để tiếp thu kinh nghiệm giúp Trung ương bổ khuyết cho chính sách của Đảng”. Sự ra đời của Ban Kiểm tra Trung ương - Cơ quan Kiểm tra chuyên trách đầu tiên của Đảng là một tất yếu khách quan, nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác xây dựng Đảng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây cũng là căn cứ để Thường vụ Bộ Chính trị khoá VIII đồng ý lấy ngày 16/10/1948 là Ngày truyền thống Ngành Kiểm tra của Đảng.
Từ khi ra đời đến nay, cơ quan kiểm tra chuyên trách của Đảng đã nhiều lần được bổ sung, điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ, phát triển về tổ chức và đội ngũ cán bộ để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ của từng giai đoạn khác nhau. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương quyết nghị: “Ban Kiểm tra Trung ương sẽ kiêm Ban Thanh tra của Chính phủ, có trách nhiệm kiểm tra cả trong quân đội”, vì vậy, Ban Kiểm tra Trung ương Đảng và Ban Thanh tra Chính phủ hợp nhất làm một, đồng chí Hồ Tùng Mậu, Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương được cử kiêm chức Tổng Thanh tra Chính phủ. Ngày 25/4/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 263/SL cử Đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Trưởng ban kiểm tra Trung ương kiêm chức Tổng thanh tra Chính phủ. Tháng 4 năm 1957, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 16/CTTW quy định: “Về nội dung công tác Ban Kiểm tra của Đảng ở các cấp chỉ chuyên trách kiểm tra việc giữ gìn kỷ luật ở các cấp và xét đơn khiếu nại của các đảng viên về các vụ thi hành kỷ luật ở cấp dưới. Còn vấn đề kiểm tra việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, của Chính phủ do Ban thanh tra của chính quyền ở các cấp giúp cấp uỷ và Ủy ban hành chính tiến hành”. Từ đó đến nay, ngành Kiểm tra của Đảng và Thanh tra của chính quyền được tách riêng.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, Điều lệ Đảng quy định tăng thẩm quyền thi hành kỷ luật đối với đảng viên cho Ủy ban kiểm tra từ cấp huyện ủy, quận ủy và tương đương trở lên; quy định cơ quan Ủy ban kiểm tra cấp trên hướng dẫn, đôn đốc, chỉ đạo UBKT cấp dưới thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra.
Đến đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã được bổ sung nhiệm vụ “Giám sát cấp ủy viên cùng cấp, cán bộ diện cấp ủy cùng cấp quản lý và tổ chức đảng cấp dưới về việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng, nghị quyết của cấp ủy và đạo đức, lối sống...”. Riêng thẩm quyền xem xét kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra đã được quy định từ Điều lệ Đảng khóa III, theo đó, Ủy ban Kiểm tra từ cấp huyện ủy, quận ủy, thị ủy trở lên có quyền thi hành kỷ luật đối với đảng viên, kể cả cán bộ thuộc diện cấp trên quản lý, nhưng không phải cấp ủy viên; quyền chuẩn y hoặc thay đổi hình thức kỷ luật trong việc giải quyết khiếu nại kỷ luật của đảng viên.
Đại hội XIII đã đánh giá cao hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng nhờ có đổi mới, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong Đảng; những vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên được xử lý nghiêm minh, không có “ngoại lệ”, không có “vùng cấm”. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng được tăng cường không chỉ có tác dụng giáo dục những cá nhân, tổ chức có vi phạm mà còn “có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa sai phạm đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên”.
Nhìn lại chặng đường 75 năm qua (16/10/1948 - 16/10/2023), Ngành Kiểm tra Đảng luôn kế thừa và phát huy truyền thống “Tuyệt đối trung thành, đoàn kết, trung thực, liêm khiết, kỷ cương và tận tụy”. Đó là, luôn bám sát tôn chỉ, mục đích xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của công tác xây dựng Đảng trong từng giai đoạn; phải làm rõ đúng, sai, ưu điểm, khuyết điểm, mức độ vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên thông qua các cuộc kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Đồng thời phải thực hiện một cách triệt để nguyên tắc, trình tự, thủ tục, phương pháp được quy định tại Điều lệ Đảng cũng như các quy định, hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương; góp phần giữ vững kỷ cương, kỷ luật, tăng cường sức mạnh của Đảng, để mọi tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phòng ngừa, ngăn chặn sự suy thoái về “tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống”; từ đó “thúc đẩy và giáo dục cán bộ và đảng viên làm tròn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước, làm gương mẫu tốt cho nhân dân”.
Xuất phát từ yêu cầu chính trị và công tác xây dựng Đảng, trong quá trình triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Ngành Kiểm tra Đảng luôn chủ động, chiến đấu, giáo dục, hiệu quả và xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong từng thời kỳ, tùy vào đặc điểm tình hình của từng địa phương để nắm bắt tình hình qua các kênh thông tin, nhất là trong thời kỳ khoa học công nghệ 4.0; triển khai đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ cũng như nhiệm vụ cấp ủy giao, nhất là những vấn đề nhạy cảm mà dư luận quan tâm, những vụ việc liên quan đến lĩnh vực tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; từ đó tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng và đảng viên. Đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, được coi là “thanh bảo kiếm” trong công tác xây dựng Đảng. Qua đó, không ngừng nâng cao năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, theo phương châm “công minh, chính xác, kịp thời”. Đồng thời, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII, và Kết luận Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; gắn với Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị (khoá XIII) tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ chính trị (khoá XII) “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Với những kết quả đã đạt được trong 75 năm qua, Ngành Kiểm tra Đảng đã được Đảng, Nhà nước tặng rất nhiều phần thưởng cao quý điển hình là Huân chương Sao Vàng vào năm 2008 nhân dịp Kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Ngành Kiểm tra Đảng. Từ ý nghĩa, mục đích và kết quả nêu trên, kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Ngành Kiểm tra Đảng, chúng ta tin tưởng và hy vọng rằng, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự quan tâm của cấp ủy các cấp, Ngành Kiểm tra Đảng luôn phát huy truyền thống và những thành tựu đã đạt được, sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ kiểm tra, không ngừng đổi mới tư duy, đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Muốn vậy, đòi hỏi từng lãnh đạo đến mỗi ủy viên ủy ban kiểm tra, kiểm tra viên, mỗi chuyên viên, viên chức và người lao động của Ngành đứng trước trách nhiệm nặng nề, thách thức to lớn, phải hội tụ đầy đủ những đức tính của người cán bộ kiểm tra trong giai đoạn hiện nay. Đó là, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với mục tiêu lý tưởng của Đảng; có đạo đức, nhân cách, trí tuệ và năng lực, năng động, sáng tạo, phát huy tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật cao; phải trung thực, khách quan trong quá trình xử lý công việc để Ngành Kiểm tra Đảng luôn là chỗ dựa tin cậy trong quá trình Đảng ta thực hiện chức năng lãnh đạo./.
-------------------------------
Tài liệu tham khảo:
- Trương Ngọc Nam, Nguyễn Văn Giang (Đồng chủ biên), Giáo trình công tác kiểm tra giám sát và kỷ luật của Đảng, NXB. LLCT, Hà Nội, 2015
- PGS.TS. Nguyễn Minh Tuấn, Sách chuyên khảo Xây dựng Đảng về tổ chức, cán bộ, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, 2021.
Lã Đình Hùng – Khoa LLCT&KHXHNV
- Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới 2024 (13.11.2024)
- Một số vấn đề về phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội trong tình hình mới (07.11.2024)
- Khái lược lịch sử hình thành và phát triển của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (04.11.2024)
- Sự cần thiết ban hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cảnh vệ năm 2024 (01.11.2024)
- Phiên họp thẩm tra chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống ma túy đến năm 2030 (31.10.2024)