Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Lời kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược,
tại Hà Nội, ngày 17/7/1966. Người khẳng định: Không có gì quý hơn độc lập tự do. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)
Cách đây 55 năm, ngày 17/7/1966, giữa lúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược đang diễn ra hết sức quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước anh dũng tiến lên chống Mỹ, cứu nước. Từ đó, câu nói “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã trở thành bất hủ, không chỉ phản ánh ý chí, khát vọng của toàn dân tộc mà còn trở thành động lực, tiếp thêm sức mạnh cho nhân dân ta trong suốt hành trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Không có gì quý hơn độc lập, tự do”
Tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tư tưởng mang tầm chân lý, một chân lý bất hủ có ý nghĩa lý luận, thực tiễn và giá trị thời đại sâu sắc.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, độc lập, tự do là quyền dân tộc, quyền con người, là xuất phát điểm đối với mọi dân tộc trên con đường đi tới phồn vinh và hạnh phúc. Dân tộc không thể phát triển, đất nước không thể phồn vinh, nhân dân không thể có cơm no, áo ấm và cuộc sống hạnh phúc nếu không có được độc lập, tự do. Do đó, giành lấy và bảo vệ độc lập, tự do là yêu cầu sống còn của các dân tộc. Khi độc lập, tự do bị xâm phạm thì cả dân tộc phải kiên quyết đứng lên chiến đấu đến cùng để giữ vững và bảo vệ nền độc lập và tự do ấy.
Không phải đến khi viết lời kêu gọi ngày 17/7/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới khẳng định giá trị của độc lập tự do. Ngay từ khi còn niên thiếu, động lực thúc đẩy Người quyết chí ra tìm đường cứu nước chính là để tìm lại độc lập tự do cho dân tộc. Sau này, Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do Người soạn thảo cũng xác định: “Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến. Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập” (1).
Đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5/1941), Đảng ta và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ: “Nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được” (2).
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giữ vững ngọn cờ độc lập, tự do, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân nêu cao ý chí, quyết tâm “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” (3).
Đặc biệt, khi đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam, đồng thời sử dụng không quân và hải quân tăng cường đánh phá miền bắc, lường trước khả năng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có thể còn lan rộng và vô cùng ác liệt, để khẳng định quyết tâm bảo vệ độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Ngày 17/7/1966, lời kêu gọi của Người được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và được đăng trên báo Nhân Dân số 4484 ngày 17/7/1966. Trong lời kêu gọi này, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định quyết tâm chiến đấu của nhân dân ta cả ở miền Bắc cũng như ở miền Nam. Quân và dân miền Nam đoàn kết chặt chẽ, chiến đấu anh dũng đã thắng lợi vẻ vang, thực hiện mục tiêu quyết tâm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới thống nhất nước nhà.
Thông qua lời kêu gọi đã thể hiện dân tộc Việt Nam hết sức bình tĩnh trước khó khăn, thách thức, tin tưởng vào sức mình, vào sự đoàn kết của toàn dân tộc. “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ!” (4).
Trong lời kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu một chân lý nổi tiếng làm cho lời kêu gọi ngày 17/7/1966 có sức lan tỏa rất xa và có sức mạnh tập hợp đoàn kết rất mạnh mẽ, đồng thời khẳng định một niềm tin lớn vào ngày mai. Đó là chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Và “đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” (5).
Có thể khẳng định, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” là tư tưởng mang tính cách mạng sâu sắc và triệt để. Nó gắn bó chặt chẽ với cuộc đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người - sự nghiệp vĩ đại mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phấn đấu, hy sinh cả cuộc đời để thực hiện.
Chân lý bất hủ
Tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh có nội hàm rộng lớn, giá trị to lớn và tính cách mạng sâu sắc. Nó không chỉ là độc lập, tự do của Tổ quốc mà còn là hạnh phúc của nhân dân. Bởi “nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” (6). Và nó không chỉ đúng trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, kháng chiến chống xâm lược, mà còn có giá trị sâu sắc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ đất nước, quyết tâm giành lại độc lập tự do đã trở thành mục tiêu to lớn giúp Đảng ta thức tỉnh, tập hợp rộng rãi mọi lực lượng yêu nước, tạo nên sức mạnh to lớn đánh Pháp, đuổi Nhật, làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám (1945), khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ (năm 1954) “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, chấm dứt sự đô hộ của thực dân Pháp.
Với ý chí "Không có gì quý hơn độc lập, tự do!", dân tộc ta đã "đánh cho Mỹ cút". Thừa thắng, quân và dân ta tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong 55 ngày đêm tiến công, ta đã "đánh cho ngụy nhào". Từ đây đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện trọn vẹn mong muốn của Bác Hồ và làm sáng ngời hiện thực của chân lý "Không có gì quý hơn độc lập, tự do!" trong sự nghiệp bảo vệ đất nước.
"Không có gì quý hơn độc lập, tự do!", chúng ta đã vào cuộc trường chinh xây dựng "đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" với công cuộc đổi mới theo sự chỉ dẫn của Bác Hồ: "chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi". Đi theo chỉ dẫn đó, đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tiềm lực đất nước và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.
Không chỉ được thể hiện ở việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, độc lập tự do còn thể hiện rõ nét thông qua việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội để mang lại cho người dân cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, quan điểm xuyên suốt của Đảng ta là: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước” (7). Nền dân chủ và việc bảo đảm phát huy dân chủ không chỉ được khẳng định trong chủ trương, đường lối của Đảng mà còn được thể chế hóa và bảo đảm thực hiện thông qua Hiến pháp và hệ thống pháp luật của Nhà nước. Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; 2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” (Điều 2);“Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người đều có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện” (Điều 3); “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”(Điều 6)... Quyền dân chủ của nhân dân còn được ghi nhận tại Chương II Hiến pháp năm 2013 (quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân) cũng như trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác, như: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Trưng cầu dân ý, Luật Đất đai, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Báo chí, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm y tế...
Về phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo cuộc sống của nhân dân, trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn. Kinh tế tăng trưởng khá đưa Việt Nam thoát khỏi tình trạng kém phát triển. GDP bình quân đầu người năm 2019 đạt 2.715 USD (gấp 15 lần năm 1990). Tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 còn dưới 3%. Điều kiện và chất lượng giáo dục ngày càng tăng, trình độ y tế ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên, từ “ăn no, mặc ấm” dần chuyển sang “ăn ngon, mặc đẹp” kết hợp vui chơi, giải trí. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 gây nhiều khó khăn cho đời sống và sản xuất của người dân và doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động, giúp họ vượt qua khó khăn, có thêm niềm tin vào cuộc sống.
Có thể khẳng định, hơn nửa thế kỷ, tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nội hàm rộng lớn vẫn luôn là chân lý bất hủ, có giá trị sâu sắc cho đến mãi về sau./.
Theo TTXVN
(1): Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 3, tr.1.
(2): Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 7, tr.113.
(3): Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.534.
(4), (5): Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.131.
(6): Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr. 64
(7): Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 84-85.
- Giữ gìn, phát huy truyền thống đoàn kết của Đảng trong tác phẩm Di chúc với công cuộc đổi mới hiện nay (27.08.2024)
- Việt Nam - Hoa Kỳ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh và thực thi pháp luật (01.08.2024)
- Viết cho ai, một nội dung cơ bản trong tư tưởng báo chí Hồ Chí Minh (19.06.2024)
- Giao thương Việt Nam - Campuchia tăng trưởng nhanh (08.06.2024)
- Việt Nam - Hoa Kỳ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh trên không (05.06.2024)