Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng tài ba, là “người Anh Cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ một thầy giáo dạy lịch sử, được hoạt động nhiều năm bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và trở thành người học trò xuất sắc, dù ở đâu và trong hoàn cảnh nào, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng luôn quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh vào hoạt động thực tiễn.
Đặc biệt, thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm cách mạng phải “Dĩ công vi thượng”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đưa ông trở thành vị “Đại tướng của nhân dân”.
1. Luôn thấu triệt sâu sắc tinh thần “Dĩ công vi thượng”
“Dĩ công vi thượng” là một trong những nội dung cơ bản của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Bản thân Người là một tấm gương mẫu mực về “Dĩ công vi thượng”. Đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh là đạo đức mới, nó tiếp thu, kế thừa và phát triển đạo đức truyền thống của dân tộc thương nước thương nòi, tương thân tương ái, kết hợp với đạo đức của nhân loại và đạo đức cộng sản chủ nghĩa. “Dĩ công vi thượng” là cốt cách người cách mạng, nếu ai không làm được điều này thì không thể trở thành người cách mạng, người cán bộ, đảng viên chân chính. Quán triệt sâu sắc tư tưởng đó, sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Làm cách mạng phải dĩ công vi thượng, nghĩa là việc dân, việc Đảng đặt lên trên hết, không nghĩ đến cá nhân. Điều tâm đắc đó trở thành máu thịt trong tôi”[1].
Xuất phát từ quan điểm đúng đắn đó, kế thừa truyền thống yêu nước của gia đình, quê hương và sớm được tiếp thu tư tưởng cách mạng vô sản, Võ Nguyên Giáp đã giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng khi mới 14 tuổi (1925). Mười lăm năm sau, người chiến sĩ cách mạng ấy được kết nạp vào Đảng và được Trung ương cử sang Trung Quốc gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (1940) khởi đầu quá trình phát huy tài năng, đức độ, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Trước Cách mạng Tháng Tám, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Trung ương Đảng, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã tích cực, chủ động thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ sở cách mạng, tuyên truyền, giác ngộ, vận động quần chúng nhân dân tham gia cách mạng với phương pháp sáng tạo, hiệu quả cao; được lãnh tụ Hồ Chí Minh ủy quyền công bố Sắc lệnh thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (22-12-1944). Thông qua hoạt động thực tiễn, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã góp phần quan trọng vào xây dựng, chuẩn bị lực lượng chính trị, quân sự vững mạnh, bảo đảm cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, dẫn tới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1945.
2. Là hiện thân của tinh thần “Dĩ công vi thượng”
Trong cuộc đời cầm quân, Đại tướng luôn dành tình yêu thương cho cán bộ, chiến sĩ. Khi cầm quân, ra trận, cái đích cần đến của Đại tướng là “Quyết đánh, quyết thắng”, nhưng không phải thắng bằng mọi giá, mà quyết chiến, quyết thắng trên cơ sở hạn chế thấp nhất sự hy sinh tính mạng và tài sản của bộ đội và nhân dân. Khi xây dựng kế hoạch tác chiến, Đại tướng luôn tỉ mỉ, chu đáo cốt là để làm sao hạn chế sự hy sinh xương máu, giành được thắng lợi. Trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khi nghe tin một đại đội ở Thành cổ Quảng Trị chỉ còn vài cây súng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã không cầm được nước mắt. Biết tin bộ đội, chiến sĩ, đồng bào ta ở Huế hy sinh nhiều, Tổng Tư lệnh trầm tư, suy nghĩ, nhiều đêm thao thức không ngủ. Thượng tướng Trần Văn Trà đã viết: “Võ Nguyên Giáp là một Tổng Tư lệnh biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh”[2].
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong đại lễ mừng công Chiến thắng Điện Biên Phủ tại Mường Phăng, ngày 13-5-1954. Ảnh tư liệu
Là Đại tướng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân, nhưng bữa ăn và quần áo mặc hằng ngày của Đại tướng rất giản dị. Đại tướng thường nhấn mạnh đến công lao, tài năng, đạo đức của chiến sĩ và cán bộ chỉ huy các cấp, nhưng rất ít nói đến bản thân mình. Ở Đại tướng, sự độ lượng, đức khoan dung thật sâu rộng, tác phong sâu sát quần chúng, quyết đoán, nhưng rất gương mẫu, liêm khiết, giản dị về lối sống. “Ở góc độ nào ông cũng thể hiện phẩm chất sáng ngời của một vị Đại tướng giản dị, gần dân. Về Quảng Bình, Đại tướng là lão nông, xuống dòng sông Kiến Giang quê hương Đại tướng cũng như một ngư dân, lên Điện Biên thì Đại tướng như một người dân tộc thực thụ, Đại tướng nói và sinh hoạt như đồng bào vậy”[3]. Chính sự liêm khiết, giản dị, gần dân của Đại tướng nên nhân dân đặc biệt yêu mến, vinh danh Tổng Tư lệnh là “Đại tướng của nhân dân”. Đối với các thế hệ quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng bao giờ cũng là vị Tổng Tư lệnh tối cao mẫu mực, người Anh Cả kính mến. Đối với bạn bè năm châu, Võ Nguyên Giáp là vị tướng huyền thoại, người anh hùng hiện thân của sự đoàn kết, sự trường tồn của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Trên thế giới hiếm có một nhà lãnh đạo nào nhận được sự tin yêu, ngưỡng mộ của toàn dân, toàn quân và bạn bè quốc tế. Hằng năm cứ đến dịp sinh nhật, ngày lễ tết, luôn có hàng trăm đoàn khách xa, gần đến nhà Đại tướng để chúc mừng. Ngày Đại tướng mất, cả nước đau buồn tiễn đưa. Giáo sư Vũ Khiêu xúc động viết: “Bao nhiêu nước mắt khóc Bác Hồ, giờ khóc Bác Giáp”. Nhà giáo Hồ Cơ trong câu đối kính dâng Đại tướng đã khái quát toàn bộ tài năng, đức độ của vị tướng huyền thoại trong lịch sử “Văn lo vận nước, văn thành võ. Võ thấu lòng dân, võ hóa văn”.
Lịch sử đã minh chứng, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Đại tướng cũng thể hiện bản lĩnh của người chiến sĩ cộng sản trung kiên, giữ vững khí tiết, tư tưởng tiến công, ý chí tự lực tự cường, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó. Luôn đề cao công lao, sự hy sinh to lớn của nhân dân, quân đội, những người trực tiếp chiến đấu trên chiến trường và chỉ nhận mình là “hạt nước giữa đại dương” bình đẳng với mọi người lính. Đại tướng từng nói: “Vị tướng dù có công lao lớn đến đâu cũng như giọt nước trong biển cả. Chỉ có nhân dân Việt Nam là người đánh thắng Mỹ. Các ngài gọi tôi là vị tướng thần thoại, nhưng tôi tự nghĩ tôi bình đẳng với những người lính của mình. Tôi hoàn thành nhiệm vụ cũng như những người lính hoàn thành nhiệm vụ. Trên bình diện nhiệm vụ thì tôi cũng là người lính bình đẳng, cho nên tôi rất tôn trọng người lính”[4].
Đất nước hòa bình, thống nhất, trên các cương vị là Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ (Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo toàn dân, toàn quân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tiến hành công cuộc đổi mới đất nước. Được Đảng, Nhà nước phân công làm Phó thủ tướng phụ trách khoa học - kỹ thuật, dù công việc rất mới mẻ, nhưng Đại tướng đã nêu cao tinh thần “Dĩ công vi thượng”, trực tiếp làm việc với nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các trí thức, văn nghệ sĩ... thành tâm lắng nghe tâm tư nguyện vọng cũng như những đề đạt, nguyện vọng của họ với Đảng và Nhà nước... Nhờ đó Đại tướng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần đưa khoa học, kỹ thuật Việt Nam từng bước sánh kịp trình độ các nước trong khu vực, góp phần hiện thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Đối với Đảng, Đại tướng luôn nhấn mạnh: Phải xây dựng Đảng thật sự trong sạch vững mạnh, phải giữ nguyên tắc Đảng; sử dụng thật hiệu quả vũ khí tự phê bình và phê bình; đoàn kết thống nhất đi đôi với mở rộng dân chủ trong Đảng từ Trung ương đến cơ sở. Ngay cả khi sức khỏe giảm sút, phải nằm trên giường bệnh, nhưng nhận được tin Trung ương Đảng tổ chức thành công Hội nghị Trung ương 4 khóa XI và ra Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Đại tướng rất vui mừng, phấn chấn, khỏe mạnh hơn, rất tin tưởng vào sức mạnh đồng tâm, nhất trí cao trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta với ý chí quyết tâm chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; khắc phục bệnh quan liêu, tham nhũng, xa rời quần chúng nhân dân để Đảng ta luôn luôn xứng đáng là lương tâm, trí tuệ, là đạo đức, là văn minh, niềm vinh dự, tự hào của giai cấp công nhân, nhân dân và của toàn dân tộc Việt Nam[5].
3. Những giá trị mãi trường tồn
Với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổ quốc, dân tộc và Đảng là trên hết, không gì thiêng liêng, cao cả hơn thế. Đại tướng luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc và nơi gửi gắm niềm tin của nhân dân, cán bộ, đảng viên. Đại tướng khẳng định: “Tôi sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó”[6]. Tại Hội thảo kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (2005), Đại tướng Võ Nguyên Giáp có bài tham luận với tựa đề: “Làm theo lời Bác - Dĩ công vi thượng”. Đại tướng nhấn mạnh: “Hơn 60 năm đã trôi qua, lời dạy ấy vẫn còn văng vẳng bên tai tôi. Bác chỉ nói ngắn gọn trong bốn chữ như vậy mà tôi nhớ mãi và phấn đấu làm theo lời Người suốt đời cho tới hôm nay”[7].
Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, học tập và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh trước hết phải học, hiểu về tinh thần “Dĩ công vi thượng”. Đó là, làm gì cũng phải đặt lợi ích của chung lên trên hết, lợi ích của dân tộc, lợi ích của đất nước lên trên lợi ích của gia đình, lợi ích của bản thân mình. Đại tướng luôn gương mẫu và chỉ bảo, hướng dẫn mọi người cùng thực hiện theo chức trách, nhiệm vụ được giao, vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội cho Tổ quốc. Tiếp thu, vận dụng sáng tạo, thành công tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn đấu tranh cách mạng, nhất là các vấn đề: Phương pháp cách mạng; vai trò của quần chúng nhân dân; chiến tranh du kích và chiến tranh nhân dân; người trước, súng sau, chính trị trọng hơn quân sự...
Là một trong những cán bộ được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ dạy, được gần gũi, gắn bó gần 30 năm, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã sớm nghiên cứu viết về tư tưởng và cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi thôi đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo, quản lý, chấp hành sự phân công của Trung ương Đảng, với tinh thần trách nhiệm cao, Đại tướng đã chuyên tâm nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh và có nhiều đóng góp đặc biệt quý báu, góp phần xây dựng nền móng cho bộ môn khoa học Hồ Chí Minh học. Cùng với các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ, Đại tướng đã góp phần quan trọng đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào cuộc sống, trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để lại nhiều “Di sản quý báu”, trong đó việc suốt đời quán triệt tư tưởng “Dĩ công vi thượng” có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là đối với sự nghiệp xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đó là những vấn đề về nghệ thuật quân sự, khoa học quân sự, lý luận quân sự mà Đại tướng đã đúc kết từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội cũng như thực tiễn chỉ đạo kháng chiến trong 30 năm chiến tranh giải phóng. Đồng thời, những vấn đề nghệ thuật quân sự, khoa học quân sự, lý luận quân sự còn được đúc kết từ chính cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng. Do đó, trách nhiệm của chúng ta hôm nay là phải tiếp tục nghiên cứu, vận dụng những quan điểm, tư tưởng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những vấn đề về nghệ thuật quân sự, khoa học quân sự, lý luận quân sự của Đại tướng vào điều kiện cách mạng mới. Đó cũng là cách để cán bộ, chiến sĩ toàn quân nắm bắt, tiếp thu những vấn đề về chiến tranh và cách mạng vận dụng vào thực tiễn huấn luyện, chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Cùng với đó, cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời, là hiện thân của tinh thần “Dĩ công vi thượng”, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Hiện nay, cùng với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và học tập tấm gương của các vị lãnh đạo cách mạng tiền bối, chúng ta cần học tập tấm gương đạo đức cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, qua đó toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thêm tự hào về lịch sử cách mạng của Đảng, của dân tộc, về những con người làm nên lịch sử. Đối với cán bộ, chiến sĩ Quân đội, đó là niềm tự hào và là biểu tượng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng!
[1] Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của huyền thoại, Nxb. Thông tấn, Hà Nội, 2013, tr.61.
[2] Quý Lâm, Tầm nhìn của chiến lược gia kiệt xuất Võ Nguyên Giáp, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2016, tr.103.
[3] Quý Lâm, Tầm nhìn của chiến lược gia kiệt xuất Võ Nguyên Giáp, Sđd, tr.50-51.
[4] Phát biểu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại buổi gặp mặt giữa Đại tướng với ông Robert McNamara, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, ngày 23-6-1997 tại nhà khách Chính phủ, trong khuôn khổ Hội thảo Việt - Mỹ.
[5] Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của huyền thoại, Sđd, tr.103.
[6] Võ Nguyên Giáp - Vị tướng vì hòa bình, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Thời đại, Hà Nội, 2013, tr.14.
[7] Báo Nhân Dân, ngày 17-5-2005.
Đại tá, PGS, TS NGUYỄN VĂN SÁU, Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự
- Công tác giáo dục, đào tạo trong Công an nhân dân trước yêu cầu, nhiệm vụ mới (29.08.2019)
- Phân biệt vi phạm hành chính và tội phạm (08.07.2019)
- Không thể xuyên tạc pháp luật của Nhà nước Việt Nam vì sự phát triển của đất nước và quyền con người (13.06.2019)
- “Đã uống rượu bia – không lái xe” (20.05.2019)
- Gặp mặt kỷ niệm 88 năm Ngày phụ nữ Việt Nam (11.04.2019)