Trụ sở chính: 36 Nguyễn Hữu Thọ - Phường Tân Phong - Quận 7 - TP. Hồ Chí Minh

Một số giải pháp phát triển văn hoá đọc tại Trường Đại học Cảnh sát nhân dân

Ngày đăng: 29.04.2024

Trải qua chặng đường dài của lịch sử dân tộc, có thể nhận định được vai trò của sách cũng như việc đọc sách trong đời sống nhân loại là vô cùng quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng quan niệm: “Bất luận công việc gì cũng cần phải đọc sách. Người mới học chữ cần đọc để không mù lại, người làm Công an cần đọc để nắm bắt tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý, lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn”[1]. Qua đó cho thấy, sách không những đóng vai trò vô cùng to lớn và quan trọng trong đời sống con người mà cả trong công tác của lực lượng CAND.

 

Đọc sách là một trong những cách giúp ta có thể vừa thư giãn, vừa tích luỹ, mở rộng kiến thức, đồng thời nâng cao khả năng tư duy, nuôi dưỡng tâm hồn và uốn nắn nhân cách, góp phần xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nhưng văn hoá đọc không chỉ đơn thuần là việc đọc sách. Sở dĩ, không phải chỉ mỗi việc đọc sách thì mới có thể gọi đó là văn hoá đọc, mà văn hoá đọc còn là một chỉnh thể thống nhất bao gồm ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, của cộng đồng, xã hội với ba thành phần: thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc. Văn hoá đọc là một trong những vấn đề then chốt của giáo dục khai phóng, hướng tới năng lực tự học suốt đời của con người; là nền tảng quan trọng hình thành giá trị nhân văn, sáng tạo của một quốc gia, dân tộc[2].

Đã từ lâu, vai trò của sách và tầm quan trọng của văn hóa đọc trong đời sống xã hội đã được Nhà nước ta quan tâm và tạo điều kiện khuyến khích phát triển. Ngày 24/02/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg, lấy ngày 21/4 là Ngày Sách Việt Nam và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo bạn đọc trong cả nước, thực sự trở thành nét đẹp văn hoá trong cộng đồng. Để tiếp tục lan toả vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hoá đọc, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân, ngày 04/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1862/QĐ-TTg, lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam, thay cho Ngày Sách Việt Nam trước đây.

Đối với lực lượng CAND, trước những yêu cầu của việc xây dựng lực lượng CAND thực sự chính quy, tinh nhuệ, hiện đại theo Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị, vấn đề phát triển văn hoá đọc trong môi trường CAND lại càng được chú trọng nhiều hơn qua các hoạt động, phong trào khuyến đọc với quy mô lớn nhỏ khác nhau. Lực lượng CAND phải là lực lượng xung kích trên mọi mặt trận, kể cả mặt trận văn hoá.

 

 

Là một trong những cơ sở đào tạo lực lượng CSND có uy chất, chất lượng cao khu vực phía Nam, trải qua 48 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học CSND luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần đào tạo nên những cán bộ, chiến sỹ giỏi về chuyên môn, vững về nghiệp vụ. Không những chú trọng đến nội dung chương trình đào tạo, Nhà trường còn đặc biệt quan tâm bồi dưỡng, hoàn thiện các kỹ năng, những giá trị thiết thực trong hành trình xây dựng hình tượng người Công an cách mệnh trong thời kỳ mới theo lời dạy của Bác, trong đó có việc đẩy mạnh tham gia cuộc thi “Đại sứ văn hoá đọc trong CAND”, hưởng ứng các phong trào “Đọc và học tập suốt đời theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại”, “Đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào “Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy” và cuộc vận động “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”…

Những năm qua, Trường Đại học CSND đã đạt được nhiều thành tích trong hưởng ứng Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam nói chung, phát triển văn hoá đọc trong CAND nói riêng. Các đơn vị trực thuộc Trường đã tích cực, chủ động tổ chức, hưởng ứng Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam với nhiều đầu sách được tài trợ, nhiều mô hình khuyến đọc cũng như các hoạt động, cuộc thi nhằm tuyên truyền, lan toả giá trị của sách và việc đọc sách. Nhiều cán bộ, giảng viên, học viên Nhà trường đã tham gia cuộc thi “Đại sứ văn hoá đọc trong CAND” được tổ chức thường niên và đạt thành tích cao. Cụ thể, năm 2022, Nhà trường là đơn vị có số lượng tác phẩm tham gia đạt giải nhiều nhất trong CAND (với 07/15 tác phẩm tham gia đạt giải) gồm 03 giải B (01 nhóm tác giả bảng cán bộ và 02 cá nhân sinh viên), 02 giải C, 02 giải Khuyến khích. Với thành tích nổi bật ấy, Nhà trường vinh dự giành giải Nhất toàn đoàn Hội thi Đại sứ Văn hoá đọc trong CAND năm 2022[3]. Năm 2023, Nhà trường tiếp tục giữ vững thành tích đạt giải Nhất toàn đoàn Hội thi Đại sứ Văn hoá đọc trong CAND với chủ đề “Tìm hiểu Đề cương văn hoá Việt Nam năm 1943 – Giá trị thời đại”, bên cạnh đó, nhiều cá nhân cũng đạt thành tích cao với 04 giải B, 02 giải C và 03 giải Khuyến khích[4].

Hưởng ứng Ngày sách và Văn hoá đọc năm 2024, Ban Giám hiệu Trường Đại học CSND đã ban hành kế hoạch tổ chức chuỗi các hoạt động thiết thực. Theo đó, Nhà trường tiếp tục duy trì, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về tầm quan trọng của Sách, ý nghĩa của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; hướng dẫn các kỹ năng khai thác, sử dụng và tiếp cận bình đẳng nguồn tài nguyên thông tin trong môi trường số… qua tin, bài đăng tải trên Trang thông tin điện tử, treo băng rôn, khẩu hiệu; phát huy vai trò của của lãnh đạo đơn vị, chủ nhiệm lớp, ban chỉ huy lớp học trong việc phát triển, lan tỏa văn hóa đọc cho cán bộ, giảng viên, công nhân viên và học viênĐặc biệt năm nay, Nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động mới như tạo một không gian mở dưới hình thức tủ sách “Sách cho tôi, cho bạn” để các cá nhân, đơn vị trao và nhận sách, tài liệu; tổ chức cuộc thi Người kể sách “Bác Hồ trong tim tôi” nhằm giới thiệu các tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh có tại Thư viện Trường; tổ chức trưng bày, triển lãm sách dưới hai hình thức trực tiếp và Online…

Đoàn viên thanh niên Nhà trường tham quan, trải nghiệm các hình ảnh, tư liệu, hiện vật tại Triển lãm "75 năm - CAND làm theo lời Bác"

 

 

Sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu và những thành tích nổi bật của cán bộ, giảng viên, học viên Nhà trường trong lĩnh vực văn hoá đọc đã góp phần lan toả, khơi dậy niềm đam mê với sách, với việc đọc sách, tìm hiểu và sẻ chia những đầu sách có ý nghĩa trong toàn thể cán bộ, giảng viên, đặc biệt là khối học viên. Thời gian tới, để văn hoá đọc ngày càng được lan toả mạnh mẽ, sâu rộng, đáp ứng yêu cầu công tác giáo dục – đào tạo của Nhà trường cũng như công tác xây dựng lực lượng CAND thực sự chính quy, tinh nhuệ, hiện đại theo tinh thần Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, Nhà trường cần nâng cao nhận thức về văn hoá đọc cho toàn thể cán bộ, giảng viên, công nhân viên và học viên. Trong đó, cần làm rõ lợi ích của việc đọc sách mà các loại hình khác không có được, nhất là với đặc thù đào tạo của lực lượng CAND. Trước những yêu cầu của công tác Công an trong tình hình mới, đòi hỏi mỗi học viên phải không ngừng trau dồi tri thức, mà cách đơn giản nhất để tiếp thu, tích luỹ, trau dồi là đọc sách. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, giảng viên phải trở thành tấm gương trực tiếp cho học viên noi theo hoặc là người bạn đồng hành, sẻ chia niềm đam mê đọc sách với học viên. Ngoài ra, Nhà trường cần tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, xây dựng động cơ học tập đúng đắn và lý tưởng cống hiến cho học viên.

Hai là, Nhà trường cần xây dựng Đề án phát triển, nâng cấp hệ thống Thư viện của nhà trường theo hướng ngày càng hiện đại, tiện ích, mở rộng diện tích, tăng số phòng đọc và các phòng chức năng phù hợp với yêu cầu đào tạo tạo trong thời đại công nghệ thông tin, số hóa. Thư viện phải tăng cường vốn tài liệu, đa dạng về thể loại... Đặc biệt là chất lượng tài liệu phải đảm bảo nhu cầu nghiên cứu tài liệu của cán bộ, giảng viên, học viên.

Ba là, Nhà trường cần phát triển những góc đọc sách, nghiên cứu, tự học trong khuôn viên Nhà trường để có thể vừa giảm áp lực cho Thư viện, giảng đường, vừa đẩy mạnh hưởng ứng văn hoá đọc trong học viên, lan toả hình ảnh đẹp người CAND đến cộng đồng.

Bốn là, Nhà trường cần tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới tổ chức các mô hình hoạt động, phong trào khuyến đọc như: cuộc thi Đại sứ văn hoá đọc, hội sách, triễn lãm sách,…; tổ chức các buổi toạ đàm, giao lưu, ra mắt, giới thiệu sách; đa dạng hoá hình thức tuyên truyền, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng ưu thế của mạng xã hội và việc phát triển đọc sách điện tử trong học viên Nhà trường. Đồng thời, tạo điều kiện để cán bộ, giảng viên, học viên tích cực tham gia các hoạt động khuyến đọc, các cuộc thi liên quan đến Sách, văn hoá đọc…

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Văn Toàn (2023), Bác Hồ - Tấm gương sáng về đọc sách, Báo Tiền phong điện tử, Link: https://tienphong.vn/bac-ho-tam-guong-sang-ve-doc-sach-post1527926.tpo

2. Trương Huyền Anh (2017), Văn hóa đọc của sinh viên Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh, Luận văn Thạc sĩ quản lý văn hóa Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương.


[1] Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch. Tập 6.- Tr 72.

[2] Nguyễn Hữu Viêm (2009), “Văn hoá đọc và Thư viện”, Tạp chí Thư viện Việt Nam, (số 4), tr.1.

[3] Ngọc Trâm - Phạm Việt, Trường Đại học CSND đạt giải Nhất toàn đoàn cuộc thi Đại sứ văn hoá đọc trong CAND năm 2022, Link: https://dhcsnd.edu.vn/truong-dai-hoc-csnd-dat-giai-nhat-toan-doan-cuoc-thi-dai-su-van-hoa-doc-trong-cand-nam-2022

[4] Huỳnh Khuyên, Trường Đại học CSND đạt giải Nhất toàn đoàn cuộc thi Đại sứ văn hoá đọc trong CAND năm 2023, Link: https://dhcsnd.edu.vn/truong-dai-hoc-csnd-dat-giai-nhat-toan-doan-cuoc-thi-dai-su-van-hoa-doc-trong-cand-nam-2023

 

 

Ngô Thị Thùy Trang – Khoa Luật

Trịnh Hửu Luân – B1 QLHC D30S

 

Copyrights © 2020 TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẢNH SÁT NHÂN DÂN
  • Ngày: 6180
  • Tuần: 29884
  • Tháng: 99409
  • Tổng: 1100200