Nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn nông thôn của lực lượng công an xã tỉnh Vĩnh Long

Thứ năm - 15/03/2018 21:07
       Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, tình hình ANTT trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có nhiều diễn biến phức tạp. Các vấn đề liên quan đến dân tộc, tôn giáo và tình hình phạm pháp hình sự như: Trộm cắp, cướp giật tài sản, đánh người gây thương tích, chống người thi hành công vụ, ngày càng nhiều; đặc biệt, có nhiều vụ giết người đã ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân, nhất là trên địa bàn nông thôn. Vì vậy, việc tăng cường xây dựng Công an xã bảo vệ ANTT ở địa bàn nông thôn Vĩnh Long là hết sức cấp thiết.
       Pháp lệnh Công an xã năm 2008 đã đáp ứng tốt yêu cầu đó. Theo Pháp lệnh, Công an xã là lực lượng vũ trang bán chuyên trách, thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân; Công an xã có những nhiệm vụ như: Nắm tình hình ANTT, an toàn xã hội; làm nòng cốt xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ); tham mưu cho Ủy ban nhân dân xã và tổ chức quản lý, giáo dục các đối tượng; chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức khác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn xã hội; thực hiện quản lý cư trú, chứng minh nhân dân và các giấy tờ đi lại khác; quản lý vật liệu nổ, vũ khí, công cụ hỗ trợ, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường; quản lý về ANTT đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; tiếp nhận, xử lý theo thẩm quyền các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về ANTT, trên địa bàn xã.
       Qua 8 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh Công an xã năm 2008, lực lượng Công an xã tỉnh Vĩnh Long đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Theo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng lực lượng Công an xã năm 2015 của Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an tỉnh Vĩnh Long, toàn tỉnh có 94 xã với tổng số 2.045 đồng chí Công an xã. Trong đó, Trưởng Công an xã là 83 đồng chí, Phó trưởng Công an xã là 181 đồng chí và 1.781 Công an viên. Lực lượng này đã thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao, tham mưu, huy động các cơ quan, tổ chức, cá nhân ở địa phương tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Tổ chức Công an xã được kiện toàn, sắp xếp tinh gọn; được chăm lo bồi dưỡng, đào tạo về nghiệp vụ, kiến thức pháp luật; cơ sở làm việc được xây dựng, phương tiện và công cụ hỗ trợ được trang bị đáp ứng cơ bản yêu cầu công tác, chiến đấu; các chính sách về phụ cấp tiền lương, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội,. được quan tâm hỗ trợ, giúp Công an xã yên tâm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, theo báo cáo của Phòng xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc - Công an tỉnh Vĩnh Long, năm 2015, trong 32 xã trọng điểm phức tạp về ANTT trước đây, nay đã được lực lượng Công an xã chuyển hóa 12 xã; hàng năm, đều tổ chức tốt diễn đàn “Công an xã lắng nghe ý kiến nhân dân” theo tinh thần học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân với tổng số trên 600 cuộc, trên 30.000 lượt người dân tham gia, qua đó Công an xã đã tiếp nhận trên 3.000 lượt ý kiến đóng góp của nhân dân về tình hình ANTT và xây dựng lực lượng Công an xã (Báo cáo tổng kết công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ của PV28 - Công an tỉnh Vĩnh Long từ 2008 đến 2015).
       Để hoàn thành trọng trách của mình, Công an xã đã tích cực tham mưu xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình như: “Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng”; “Cổng ANTT”; “Phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm”; “Đèn trước ngõ, mõ trong nhà”; “Câu lạc bộ nhà cho thuê phòng, chống tội phạm”; “Phòng, chống bạo lực học đường”; “Trường học an toàn không có tội phạm, không có ma túy”; trong xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, Công an xã đã kịp thời phổ biến các văn bản pháp luật và tình hình tội phạm, giúp cho nhân dân nhận thức sâu sắc hơn về phong trào này; phối hợp tổ chức tuần tra hàng chục ngàn cuộc, kịp thời giải tán trên 630 nhóm thanh thiếu niên tụ tập đêm khuya gây mất ANTT, trên 900 điểm cờ bạc, đánh bắt thủy sản bằng điện. Từ phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” phát triển mạnh, nhân dân đã nhiệt tình cung cấp cho Công an trên 6.300 nguồn tin báo tố giác tội phạm, giúp Công an kịp thời triệt phá nhiều tụ điểm phức tạp về ANTT và điều tra làm rõ nhiều vụ án nghiêm trọng; phối hợp các ban, ngành, đoàn thể mời gọi, cảm hóa, giáo dục và cho cam kết không tái phạm trên 12.000 lượt đối tượng; kiểm điểm trước dân gần 7.000 lượt đối tượng có biểu hiện vi phạm pháp luật (Báo cáo tổng kết công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của PV28 - Công an tỉnh Vĩnh Long từ 2008 đến 2015).
       Hoạt động giữ gìn ANTT của Công an xã còn thể hiện trong công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội như: Làm tốt việc phối hợp với Công an huyện, Công an tỉnh tăng cường kiểm tra lưu trú, tạm trú, tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành các quy định về cư trú; thực hiện công tác quản lý cư trú đảm bảo nghiêm túc, đúng quy định; trong công tác quản lý ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đã giúp cho đời sống của nhân dân an tâm hơn. Đặc biệt, đã tổ chức vận động nhân dân giao nộp 736 súng săn, súng tự chế và ngăn chặn kịp thời 150 đối tượng lén lút sử dụng trái phép các loại súng.
       Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác giữ gìn ANTT của Công an xã trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long còn những hạn chế sau:
       -  Một số đồng chí Công an xã chưa làm tốt công tác nắm tình hình, tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền xã trong đảm bảo ANTT ở địa bàn, đặc biệt trong hoạt động xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; một số đơn vị Công an xã tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền vẫn chưa kịp thời, chưa thật sự sát với tinh thần chỉ đạo của Công an cấp trên và tình hình thực tế đặt ra.
       Công tác quản lý ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT, công tác tuyên truyền Pháp lệnh vũ khí, vật liệu nổ và mở đợt cao điểm vận động quần chúng nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ ở một số đơn vị Công an xã chưa thật sự quyết liệt và chủ động; còn cho là trách nhiệm của lực lượng chức năng như: Đội Công an xây dựng phong trào và phụ trách xã về ANTT, Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an huyện và huyện đội, phường đội nên tiến độ chậm và hiệu quả chưa cao; tình trạng sử dụng vũ khí tự chế, công cụ hỗ trợ để gây án vẫn còn nhiều; vẫn còn một số đơn vị Công an xã chưa làm tốt công tác quản lý, giáo dục đối tượng, đặc biệt là quản lý các đối tượng hoạt động tệ nạn xã hội.
       -  Công tác nắm tình hình, giải quyết ban đầu vụ việc về ANTT của một số đơn vị Công an xã chưa kịp thời; một số đồng chí Công an xã giải quyết vụ việc ANTT còn cảm tính, chưa căn cứ vào quy định của pháp luật cho nên chưa làm cho nhân dân thực sự an tâm về công tác giữ gìn ANTT của Công an xã. Ngoài ra công tác phối hợp với các đơn vị lực lượng trong và ngoài ngành Công an để đảm bảo an ninh, trật tự một số đơn vị Công an xã vẫn còn chậm, thiếu tính chủ động.
       -  Những hạn chế trong công tác giữ gìn ANTT ở địa bàn nông thôn của Công an xã tỉnh Vĩnh Long là do những nguyên nhân sau:
       Công tác chỉ đạo, hướng dẫn của Công an cấp trên, đặc biệt là một số đồng chí Công an xây dựng phong trào và phụ trách xã về ANTT cho Công an xã chưa thường xuyên; mặt khác việc hướng dẫn về nghiệp vụ đảm bảo ANTT của các đơn vị nghiệp vụ Công an cấp trên đối với Công an xã một vài nơi còn chồng chéo, chưa thống nhất.
       Trình độ, năng lực của một số đồng chí Công an xã trên địa bàn Vĩnh Long vẫn còn hạn chế. Hiện nay trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên chỉ có 13,28%; số người chưa qua đào tạo nghiệp vụ Công an chiếm tỷ lệ tương đối cao (40%). Điều này dẫn đến chất lượng giải quyết các mặt trong công tác quản lý hành chính về TTXH cũng như giải quyết các vụ việc về ANTT tại địa phương còn hạn chế. Công tác cán bộ thường xuyên có những thay đổi trong lực lượng, nhất là tình trạng hiện nay chế độ lương, mức sống của lực lượng Công an xã không đảm bảo; do đó còn vẫn tình trạng chây ỳ đùn đẩy trách nhiệm cho nhau diễn ra ở nhiều đơn vị Công an xã.
       -  Một số đồng chí Công an xã chưa nhận thức đúng công tác đảm bảo ANTT. Nhiều trường hợp chưa thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, đặc điểm tâm lý, lối sống của quần chúng nhân dân trên địa bàn nên trong công tác còn chậm, quá trình tiếp xúc với nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Thậm chí tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào lực lượng Công an cấp trên còn xảy ra ở một số đồng chí Công an xã.
       Trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giữ gìn ANTT của Công an xã tại địa bàn nông thôn tỉnh Vĩnh Long, góp phần khắc phục những hạn chế cũng như nguyên nhân những hạn chế trên, cần có những biện pháp sau:
       Một là, Lãnh đạo Công an cấp huyện, tỉnh, đặc biệt là các đội nghiệp vụ của Công an các cấp này và Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã cần tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn Công an xã trong công tác giữ gìn ANTT trên địa bàn nông thôn; trong đó cần chú trọng tập trung chỉ đạo hoạt động xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” nhằm huy động sức mạnh của đông đảo nhân dân trong công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn.
      Hai là, lãnh đạo Công an xã tiếp tục tham mưu cho Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể thực hiện nghiêm túc các quy định về đăng ký, quản lý cư trú, quản lý các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT, quản lý vũ khí, sử dụng vật liệu nổ,... Phối hợp chặt chẽ với cơ quan văn hóa thông tin, đài truyền thanh của xã, các ban, ngành, đoàn thể có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục về quy định đăng ký cư trú, hoạt động ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT, pháp lệnh vũ khí, vật liệu nổ và các văn bản hướng dẫn thi hành rộng rãi trên toàn xã để mọi người dân biết tự giác thực hiện và chấp hành.
       Ba là, nâng cao hơn nữa nhận thức và trách nhiệm của Công an xã trên tỉnh Vĩnh Long đối với công tác đảm bảo ANTT. Để nâng cao nhận thức cho Công an xã, lãnh đạo Công an cấp huyện, lãnh đạo các Đội Công an xây dựng phong trào và phụ trách xã về ANTT và Đội quản lý hành chính về trật tự xã hội phải thường xuyên quán triệt, hướng dẫn về chương trình, nhiệm vụ, mục tiêu, yêu cầu, nội dung, biện pháp về công tác đảm bảo ANTT; quán triệt các văn bản có liên quan đến công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn nông thôn đến từng đồng chí Công an xã. Việc đảm bảo ANTT trên địa bàn xã cần có kế hoạch và đưa vào chỉ tiêu công tác của đơn vị; lãnh đạo đơn vị phải xác định rõ chỉ tiêu của từng đồng chí trong quá trình thực hiện; gắn chặt trách nhiệm của cá nhân trong công tác đảm bảo ANTT.
       Bốn là, Công an xã cần thường xuyên làm tốt công tác điều tra nghiên cứu nắm tình hình phục vụ cho công tác đảm bảo ANTT. Thông qua công tác điều tra nghiên cứu nắm tình hình, Công an xã phát hiện kịp thời các vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội liên quan đến ANTT, nắm bắt những dư luận của quần chúng nhân dân liên quan đến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong đó, Công an xã phải tập trung chú ý nắm chắc đặc điểm địa bàn và tình hình tội phạm ở địa bàn, từ đó chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch đảm bảo ANTT phù hợp.
       Năm là, Công an xã cần chủ động hơn trong mối quan hệ phối hợp với các lực lượng khác trong công tác đảm bảo ANTT. Phải xây dựng cơ chế phối hợp mang tính đồng bộ, thống nhất giữa Công an cấp xã với các cấp, các ngành, các đoàn thể quần chúng; trong đó, Công an cấp xã phải giữ vai trò chủ đạo, nòng cốt; cần chú trọng vào phối hợp quản lý, giáo dục đối tượng thanh thiếu niên hoạt động tệ nạn xã hội.
       Sáu là, nâng cao trình độ và kiện toàn tổ chức cho Công an xã trên địa bàn Tỉnh đáp ứng yêu cầu đảm bảo ANTT trong giai đoạn hiện nay. Cần thường xuyên quan tâm bồi dưỡng về chính trị, pháp luật và nghiệp vụ cho Công an xã; trong đó chú trọng kiến thức nghiệp vụ quản lý hành chính về trật tự xã hội. Bên cạnh phối hợp với Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân III mở các lớp trung cấp Công an xã, Ban Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long nên thường xuyên chỉ đạo các phòng nghiệp vụ đặc biệt là Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và Phòng xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ phối hợp, mở các lớp tập huấn chuyên đề cho Công an xã. Cần thiết, một số nơi phải bố trí Công an xã là người am hiểu về phong tục tập quán, các lễ nghi, tín ngưỡng tôn giáo thì mới có khả năng nắm bắt tốt các nguyên nhân, điều kiện nảy sinh những vấn đề phức tạp về ANTT trên địa bàn này. Ngoài ra, cần hỗ trợ thêm mức phụ cấp hàng tháng cho lực lượng Công an xã để đảm bảo họ an tâm công tác.
---------------------
Tài liệu tham khảo
1. Ủy ban thường vụ Quốc hội (2008), Pháp lệnh công an xã.
2. Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân (2013), Giáo trình “An ninh nông thôn và trách nhiệm của Công an xã góp phần đảm bảo an ninh nông thôn”.
3. Tài liệu tập huấn Công an xây dựng phong trào và phụ trách xã về an ninh, trật tự - C64, Bộ Công an(2014).
4. Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an tỉnh Vĩnh Long, Báo cáo công tác xây dựng lực lượng Công an xã cuối năm 2015 và 6 tháng năm 2016.
5. Phòng xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc - Công an tỉnh Vĩnh Long, Báo cáo công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc từ 2008 đến năm 2015 và 6 tháng năm 2016.
6. Công an tỉnh Vĩnh Long, Báo cáo tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long từ năm 2012 đến 6 tháng năm 2016.
Tác giả bài viết: Phạm Văn Suôl - Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân III 
Nguồn tin: *Bài viết đã được đăng tải trên Tạp chí KHGD CSND số 81 (tháng 10/2016)

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây