Phòng ngừa tai nạn giao thông trên các tuyến đường giao thông nông thôn tỉnh Đồng Nai của lực lượng Cảnh sát giao thông

Thứ năm - 15/03/2018 09:10
          Đồng Nai là một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ với diện tích tự nhiên 5.907,2 km2, dân số 2.910 triệu người, phía Đông giáp tỉnh Bình Thuận, phía Đông Bắc giáp tỉnh Lâm Đồng, phía Tây Bắc giáp tỉnh Bình Dương và Bình Phước, phía Nam giáp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, phía Tây giáp Thành phố Hồ Chí Minh, nằm ở vị trí trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với mạng lưới đường giao thông rộng lớn, hệ thống đường giao thông nông thôn phức tạp, tạo nên nhiều khó khăn cho công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) của các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai.
          Theo số liệu thống kê của Công an tỉnh Đồng Nai về công tác điều tra giải quyết tai nạn giao thông đường bộ, từ năm 2012 đến năm 2016 trên địa bàn tỉnh xảy ra 2.759 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.831 người, bị thương 2.371 người; trong đó tai nạn giao thông xảy ra trên các tuyến đường giao thông nông thôn là 1.152 vụ, làm chết 702 người, bị thương 1.013 người. Từ số liệu thống kê qua các năm cho thấy, tình hình tai nạn giao thông trên các tuyến đường giao thông nông thôn chiếm tỉ lệ rất cao, chiếm hơn 40% tổng số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh với số người chết, số người bị thương đáng báo động. Riêng năm 2016 có xu hướng giảm về số vụ nhưng vẫn ở mức cao, thực trạng này làm cho tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh trở nên phức tạp, gây ra nhiều áp lực, khó khăn cho lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai trong công tác đảm bảo TTATGT.
          Trước thực trạng trên, lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh Đồng Nai đã thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa như thực hiện công tác tham mưu cho chính quyền các cấp về phòng ngừa tai nạn giao thông nói chung và tai nạn giao thông trên các tuyến đường giao thông nông thôn nói riêng; đã chủ động triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh, Cục Cảnh sát giao thông về công tác bảo đảm TTATGT như Công văn số 1737 ngày 10/3/2016 của Ủy ban nhân dân về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông, tham mưu Ban Giám đốc Công an tỉnh ban hành Kế hoạch số 11/KH-CAT-PC67 ngày 20/01/2016 về việc tổ chức tập huấn, triển khai thực hiện Thông tư mới của Bộ Công an qui định về tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ…
          Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật giao thông cũng đã được chú trọng, trong năm 2016 lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã kết hợp tuyên truyền trực tiếp thông qua công tác xử lý vi phạm cho 44.658 số lượt người đến xử lý vi phạm, phối hợp tuyên truyền được 100 buổi cho 20.060 lượt người tham dự; cấp phát 17.080 tờ bướm tuyên truyền Luật Giao thông, thông qua hình thức tuyên truyền miệng, kết hợp phim phóng sự, hình ảnh, clip, tài liệu... tạo trực quan, sinh động. Mặt khác, công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đã tiến hành thường xuyên, liên tục, năm 2016 lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh Đồng Nai đã tiến hành tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý 311.712 trường hợp vi phạm, nộp kho bạc nhà nước số tiền 124.539.100.000 đồng... Những công tác này tuy đã được chú trọng nhưng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như công tác tuyên truyền pháp luật chưa được tiến hành thường xuyên, chưa đến tận những đối tượng cần tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông, nhất là đối tượng là thanh thiếu niên, đồng bào dân tộc thiểu số, người dân vùng sâu, vùng xa, công nhân các khu công nghiệp.
          Thực trạng tình hình tai nạn giao thông trên các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thời gian qua xuất phát chủ yếu từ các nguyên nhân, điều kiện sau:
          Một là, ý thức chấp hành pháp luật giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông trên các tuyến đường giao thông nông thôn còn thấp; lực lượng tuần tra, kiểm soát hạn chế cùng với việc chấp hành pháp luật mang tính đối phó của người tham gia giao thông nên hiện tượng vi phạm pháp luật giao thông xảy ra thường xuyên. Theo số liệu thống kê về tai nạn giao thông trên các tuyến đường giao thông nông thôn năm 2016, nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông chủ yếu là do ý thức chấp hành luật giao thông còn kém. Cụ thể, vi phạm tốc độ: 19 vụ (13,1%); Say rượu bia: 09 vụ (6,2%); tránh vượt không đúng quy định: 21 vụ (14,4%); Đi không đúng phần đường, làn đường, lấn trái đường: 28 vụ (19,3%); Chuyển hướng không nhường đường: 21 vụ (14,4%)…
          Hai là, kỹ năng điều khiển phương tiện, xử lý khi có tình huống nguy hiểm xảy ra của người điều khiển xe còn hạn chế. Đây là một trong những nguyên nhân, điều kiện thường dẫn tới tai nạn giao thông nói chung và tai nạn giao thông trên các tuyến đường giao thông nông thôn nói riêng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Khi gặp các tình huống nguy hiểm xảy ra trên đường giao thông thì kỹ năng điều khiển xe, xử lý tình huống là rất quan trọng, có thể phòng tránh được tai nạn giao thông hay không, làm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất nếu tai nạn xảy ra phụ thuộc rất lớn vào kỹ năng của người lái xe. Kỹ năng này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khả năng hiểu biết pháp luật giao thông, ý thức chấp hành pháp luật giao thông, khả năng xử lý tình huống, tâm lý tôn trọng tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác… Theo số liệu thống kê tai nạn giao thông năm 2016 thì nguyên nhân tai nạn giao thông từ quy trình, thao tác khi điều khiển xe, xử lý tình huống chiếm 18 vụ (12,4%).
          Ba là, lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm còn mỏng trong khi mạng lưới tuyến đường giao thông nông thôn trải dài. Công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm trên các tuyến đường giao thông nông thôn chưa được chú trọng do đây là tuyến đường dài, hẹp, khó đi, lượng phương tiện lưu thông ít, chủ yếu là xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ, người đi bộ… lực lượng Cảnh sát giao thông Công an các huyện còn mỏng không thể dàn trải khắp địa bàn, ít thực hiện tuần tra, kiểm soát độc lập mà chỉ phối hợp với lực lượng Công an xã khi cần thiết, thậm chí có kế hoạch phối hợp nhưng không thực hiện phối hợp. Việc tuần tra, kiểm soát trên địa bàn tuyến đường giao thông nông thôn chủ yếu giao cho lực lượng Công an xã, trong khi lực lượng này làm việc còn mang tư duy dòng tộc, làng xóm, người quen… nên khó xử lý triệt để hành vi vi phạm. Kinh phí cho hoạt động tuần tra, kiểm soát ở địa bàn tuyến đường giao thông nông thôn chưa được đảm bảo, chưa được sự quan tâm đúng mức…
          Bốn là, hệ thống đường giao thông còn nhiều chỗ bị hư hỏng, các công trình đảm bảo an toàn giao thông như: Cọc tiêu, biển báo, đèn chiếu sáng, vạch sơn… trên các tuyến đường giao thông nông thôn chưa được đầu tư hoàn chỉnh, có nơi lắp đặt còn chưa hợp lý. Theo số liệu thống kê tai nạn giao thông năm 2016 thì nguyên nhân tai nạn giao thông từ những hư hỏng của hệ thống đường giao thông chiếm 08 vụ (5,5%).
          Năm là, chất lượng phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường giao thông nông thôn rất đa dạng, phần lớn không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật theo quy định nhưng vẫn lưu hành. Những phương tiện này khi tham gia giao thông trên đường dễ xảy ra các hư hỏng bất ngờ cùng với kỹ năng điều khiển phương tiện, khả năng xử lý tình huống của người điều khiển phương tiện kém thì nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông là rất cao. Theo số liệu thống kê tai nạn giao thông năm 2016 thì nguyên nhân tai nạn giao thông từ phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, kỹ thuật là 14 vụ (9,6%).
          Sáu là, tình trạng lấn chiếm, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ diễn ra phổ biến ở các tuyến đường giao thông nông thôn, tình trạng này diễn ra thường xuyên, tiềm ẩn những nguy cơ gây mất TTATGT, tai nạn giao thông rất cao, trên thực tế đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng mà nguyên nhân là do việc lấn chiếm này gây ra.
          Từ thực trạng những nguyên nhân và điều kiện của tai nạn giao thông trên các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, trong thời gian tới để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng ngừa thực trạng này chúng tôi xin kiến nghị, đề xuất một số giải pháp sau:
          Một là, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đồng Nai tăng cường tuyên truyền sâu rộng về các quy định của Luật Giao thông đường bộ, nghị định xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT, thực trạng về tình hình, nguyên nhân, điều kiện của tai nạn giao thông trên các tuyến đường giao thông nông thôn, hậu quả thiệt hại… để người dân có nhận thức rõ hơn về những vấn đề này. Trong tuyên truyền cần phát huy vai trò tích cực của chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng dân cư ở nông thôn. Lồng ghép, tập trung tuyên truyền tại các lễ hội truyền thống, các phiên họp chợ, các sự kiện, các buổi sinh hoạt tôn giáo ở địa phương, các buổi sinh hoạt của chi bộ, các tổ chức đoàn thể, thôn, xóm, các tổ dân phố, bằng các hình ảnh trực quan, tuyên truyền về an toàn giao thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
          Hai là, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đồng Nai tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến đường giao thông nông thôn, đảm bảo khép kín về địa bàn, liên tục về thời gian. Khi tuần tra, kiểm soát cần tập trung xử lý các lỗi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông trên các tuyến đường như: Chạy xe lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ quy định, đi không đúng phần đường; sử dụng rượu bia khi điều khiển xe, chở hàng hóa cồng kềnh, tập trung xử lý các lỗi về an toàn kỹ thuật của phương tiện không đảm bảo…
          Ba là, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn là điểm mấu chốt, quan trọng trong việc phòng ngừa tai nạn giao thông trên các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện nay. Tăng cường năng lực quản lý giao thông nông thôn, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã; nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ cấp huyện, cấp xã cả về kiến thức quản lý và kỹ thuật. Cải tạo tầm nhìn với những đoạn đường tầm nhìn bị hạn chế như các đoạn đường cong, cua bị cây cối che phủ; lắp đặt hệ thống biển báo phù hợp, lắp đặt biển báo cảnh báo tai nạn giao thông đối với những đoạn đường thường xảy ra tai nạn giao thông, điểm đen về tai nạn giao thông; xây dựng gờ giảm tốc; cắm biển hạn chế tải trọng, tốc độ; hệ thống chiếu sáng phù hợp trên các tuyến đường giao thông… cưỡng chế kết hợp với tuyên truyền, thuyết phục để giải tỏa các công trình xây dựng trái phép trong hành lang an toàn giao thông (xây dựng lều quán, tập kết hàng hóa, vật liệu vào lòng, lề đường; xâm phạm rãnh thoát nước...).
          Bốn là, làm tốt công tác quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện trên các địa bàn nông thôn, đặc điểm về chủng loại phương tiện hoạt động trên các tuyến đường giao thông nông thôn ở địa bàn Đồng Nai hiện nay rất đa dạng với nhiều loại xe khác nhau, trong đó có cả xe tự chế, tự ý thay đổi kết cấu xe... Kiên quyết không cấp giấy kiểm định cho các phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, loại bỏ những phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, hết niên hạn sử dụng, không cho tham gia giao thông dưới bất kỳ hình thức nào. Mặt khác, tăng cường các cơ sở đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe (các hạng A1, A2, A3, A4) tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân ở các vùng này có điều kiện học tập Luật Giao thông, thi sát hạch, cấp giấy phép lái xe theo đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó, kiên quyết đấu tranh với các hành vi tiêu cực trong công tác sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
          Năm là, tăng cường công tác phối hợp lực lượng giữa các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai trong công tác đảm bảo TTATGT nói chung và công tác phòng ngừa tai nạn giao thông trên các tuyến đường giao thông nông thôn. Đảm bảo TTATGT nói chung và phòng ngừa tai nạn giao thông trên các tuyến đường giao thông nông thôn không phải là nhiệm vụ riêng lẻ của bất cứ một lực lượng nào mà đó là nhiệm vụ chung của các cơ quan chức năng địa phương trên địa bàn tỉnh. Sự phối hợp này sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp để đạt đến kết quả sau cùng. Tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao vai trò, trách nhiệm của lực lượng làm công tác an toàn giao thông ở cấp xã, tăng cường cung cấp, trang bị công cụ hỗ trợ cho lực lượng chức năng làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT, đặc biệt ở cơ sở. Phát huy và nhân rộng các mô hình tự quản, hỗ trợ cấp cứu tai nạn giao thông có hiệu quả tốt của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể.

       ----------------------  
       Tài liệu tham khảo:
       1. Đỗ Đình Hòa (2006), Sách chuyên khảo Sổ tay điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ.
       2. Kỷ yếu Hội thảo “Nâng cao công tác phòng, chống tai nạn giao thông tại tỉnh Đồng Nai, năm 2016.
       3. Công văn số 1737 ngày 10/3/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông.
       4. Thủ tướng Chính phủ (2013), Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 23/6/2013 tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tai nạn nghiêm trọng trong hoạt động vận tải.
       5. Công an tỉnh Đồng Nai, Báo cáo tổng kết công tác bảo đảm TTATGT các năm 2012, 2013, 2014, 2015, 2016. 
       6. Báo cáo tổng kết công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT năm 2016 của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đồng Nai.
Tác giả bài viết: Bùi Cao Phương 
 

Nguồn tin: Bài viết đã được đăng tải trên Tạp chí KHGD CSND số 89 (tháng 5/2017)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây