Xây dựng chuẩn đầu ra đối với các chương trình đào tạo đại học tại Trường Đại học Cảnh sát nhân dân

Thứ năm - 15/03/2018 21:05
1. Chuẩn đầu ra tại Trường Đại học CSND và kết quả đạt được
        Chuẩn đầu ra (CĐR) đối với các học viện, trường đại học Công an nhân dân (CAND) là quy định của cơ sở đào tạo về kiến thức, chuyên môn và kỹ năng thực hành; khả năng nhận thức công nghệ và giải quyết vấn đề; về thái độ, phẩm chất; về công việc mà học viên có thể đảm nhận được sau khi tốt nghiệp và các yêu cầu đặc thù khác đối với từng ngành (chuyên ngành) đào tạo. Chuẩn đầu ra chính là các tiêu chí cần đạt được của học viên khi tốt nghiệp, được cụ thể hoá từ mục tiêu, nội dung chương trình giáo dục của ngành (chuyên ngành) đào tạo...
        - Chuẩn đầu ra tại Trường Đại học CSND.
        Ngày 13 tháng 3 năm 2013, Hiệu trưởng Trường Đại học CSND đã ký Quyết định số 213/QĐ-T48 về việc công bố CĐR các ngành đào tạo Đại học CSND hệ chính quy và theo Kế hoạch trong năm học 2016 - 2017 Nhà trường sẽ xây dựng và công bố CĐR với các hệ Liên thông, Vừa làm vừa học, Văn bằng hai.
        Quan điểm chỉ đạo của Nhà trường đó là: CĐR là quá trình cụ thể hoá các mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo thành những tiêu chuẩn cụ thể về phẩm chất năng lực, kiến thức chuyên môn, kỹ năng cứng, kỹ năng mềm để khi sinh viên ra trường đáp ứng được nhu cầu cho quá trình sử dụng cán bộ. Hiện nay, Nhà trường đã xây dựng CĐR với 11 chuyên ngành, bao gồm: Điều tra tội phạm xâm phạm trật tự an toàn xã hội; Trinh sát chống tội phạm về kinh tế; Trinh sát chống tội phạm về trật tự xã hội; Trinh sát chống tội phạm về ma tuý; Trinh sát chống tội phạm về môi trường; Kỹ thuật hình sự; Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội; Quản lý trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt; Quản lý trật tự an toàn giao thông đường thuỷ; Quản lý, giáo dục và cải tạo phạm nhân; Tham mưu, chỉ huy vũ trang bảo vệ ANTT.
        Để triển khai thực hiện CĐR, Nhà trường đã xây dựng hệ thống các văn bản quy định như: Kế hoạch số 60/KH-T48 ngày 21 tháng 04 năm 2014 về đảm bảo thực hiện CĐR các ngành đào tạo Đại học CSND hệ chính quy; Quyết định số 1205/QĐ-T48, ngày 04 tháng 9 năm 2013 của Hiệu trưởng Trường Đại học CSND về Chương trình đào tạo hệ Chính quy 4 năm theo niên chế, áp dụng cho sinh viên khoá D23S; Quyết định số 1239/QĐ-T48, ngày 29 tháng 9 năm 2014 của Hiệu trưởng Trường Đại học CSND về Chương trình đào tạo hệ Chính quy 4 năm theo tín chỉ, áp dụng cho sinh viên từ khoá D24S, D25S; Kế hoạch số 126/KH-T48 ngày 18 tháng 5 năm 2015 về chuẩn bị phục vụ kiểm tra, thẩm định CĐR các ngành, chuyên ngành đào tạo; Báo cáo số 115/BC-T48, ngày 05 tháng 8 năm 2015 về kết quả thực hiện CĐR đối với các chương trình đào tạo trong giáo dục đại học.
        Trên cơ sở các văn bản quy định, trong quá trình triển khai thực hiện CĐR, Nhà trường luôn tiếp thu, xem xét và đánh giá bổ sung, điều chỉnh kịp thời các tiêu chuẩn về kiến thức, chuẩn về kỹ năngchuẩn về thái độ chính trị, chuẩn về khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi ra trường để phù hợp với chương trình đào tạo của Nhà trường…
        - Kết quả thực hiện CĐR tại Trường Đại học CSND
        Tính đến hết năm học 2015 - 2016, tình hình triển khai thực hiện CĐR cho các hệ học, khoá học chính quy tại Trường Đại học CSND như sau:
        + Chuẩn về kiến thức: 
        Để chuẩn về kiến thức đại cương, kiến thức ngành, chuyên ngành cho sinh viên, Nhà trường đã xây dựng lịch giảng dạy, học tập, thi trong từng học kỳ, đảm bảo tính khoa học, kế thừa trong quá trình dạy học và đánh giá kết quả học tập của sinh viên; đã xây dựng, ban hành chương trình đào tạo hệ chính quy 4 năm theo niên chế và 4 năm theo tín chỉ. Chỉ tính trong năm học 2015 - 2016, Nhà trường đã biên soạn, nghiệm thu 47 giáo trình, 109 đề cương chi tiết học phần; đã biên soạn, nghiệm thu 7 tài liệu tham khảo, 2 hệ thống bài tập và 4 chuyên đề chuyên sâu; giảng viên lên lớp đều có giáo án, kế hoạch dạy học phù hợp với từng hệ học, chuyên ngành đào tạo.
        + Chuẩn về kỹ năng, thái độ
        Công tác sinh hoạt đầu khoá, giáo dục chính trị, tư tưởng: Phòng Quản lý học viên đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong trường xây dựng kế hoạch sinh hoạt đầu khoá cho sinh viên đầu khoá học; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Bộ Công an, Nhà trường.
        Thông qua các chương trình, kế hoạch được thực hiện lồng ghép với kế hoạch sinh hoạt đầu khoá; phát hành các tài liệu tuyên truyền để sinh viên hiểu hơn về ngành nghề và nhà trường, định hướng thi đua, học tập; giới thiệu các mô hình học tập, câu lạc bộ; triển khai và huy động được tất cả sinh viên tham gia các chương trình, kế hoạch, phong trào thi đua học tốt, văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, tình nguyện chung sức cùng cộng đồng, giao lưu kết nghĩa, mùa hè xanh... Qua đó, Nhà trường đã góp phần giáo dục đạo đức, tư tưởng chính trị, nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, ứng xử cho sinh viên.
        Nghiên cứu khoa học của sinh viên: Sinh viên đã biết tiếp cận và triển khai phương pháp nghiên cứu khoa học, phát triển tư duy nhận thức, bổ sung kiến thức thực tiễn, hình thành phương pháp tư duy khoa học. Có tổng số 436 sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học với 156 đề tài. Kết quả nghiệm thu có 29 nhóm giải nhất, 127 nhóm giải nhì; 106 sinh viên đăng ký viết 106 chuyên đề khoa học. Kết quả nghiệm thu có 20 giải nhất, 67 giải nhì, 17 giải ba (chỉ tính năm học 2015 - 2016).
        Học võ thuật ngoài giờ: Phòng QLHV đã phối hợp với Bộ môn QSVT&TDTT duy trì các lớp võ thuật chính khoá ngoài giờ, tổ chức thi lên cấp, lên đai các môn võ thuật nhằm đảm bảo thực hiện CĐR.
        + Chuẩn về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, giấy phép lái xe 
        Khoá D23S, tổng số 709 sinh viên. Số sinh viên đạt về chứng chỉ tin học A là 11 sinh viên, đạt tỷ lệ 1,6%; chứng chỉ tin học B là 650 sinh viên, đạt tỷ lệ 91,7%; chứng chỉ khác là 02, đạt tỷ lệ 0,3%. Số sinh viên đạt về chứng chỉ ngoại ngữ A là 07 sinh viên, đạt tỷ lệ 0,9%; chứng chỉ ngoại ngữ B là 40 sinh viên, đạt tỷ lệ 5,6%. Số sinh viên có giấy phép lái xe loại A1 là 580 sinh viên, đạt tỷ lệ 81,8%; loại A2 184 sinh viên, đạt tỷ lệ 25,9%; loại B2 là 223 sinh viên, đạt tỷ lệ 31,5%.
        Khoá D24S, tổng số 842 sinh viên. Số sinh viên đạt về chứng chỉ tin học A là 44 sinh viên, đạt tỷ lệ 5,2%; chứng chỉ tin học B là 32 sinh viên, đạt tỷ lệ 3,8%; chứng chỉ khác là 01, đạt tỷ lệ 0,1%. Số sinh viên đạt về chứng chỉ ngoại ngữ A là 10 sinh viên, đạt tỷ lệ 1,2%; chứng chỉ ngoại ngữ B là 26 sinh viên, đạt tỷ lệ 3,1%; chứng chỉ ngoại ngữ C là 01 sinh viên, đạt tỷ lệ 0,1%. Số sinh viên có giấy phép lái xe loại A1 là 662 sinh viên, đạt tỷ lệ 78,6%; loại A2 là 242 sinh viên, đạt tỷ lệ 28,7%; loại B2 là 282 sinh viên, đạt tỷ lệ 33,5%; loại C là 01 sinh viên, đạt tỷ lệ 0,1%.
        Khoá D25S, chưa tiến hành thống kê.
        + Tình hình chấp hành nội quy, điều lệnh CAND của sinh viên
        Kết quả rèn luyện của sinh viên các khoá D23S, D24S, D25S năm học 2015 - 2016 đều đạt chỉ tiêu đề ra. Có 100% sinh viên đạt phân loại rèn luyện trung bình trở lên, tỷ lệ phân loại rèn luyện tốt trở lên là 97,6% (vượt chỉ tiêu đề ra là 80%).
        2. Những ưu điểm, hạn chế và một số đề xuất thực hiện chuẩn đầu ra trong thời gian tới
        - Ưu điểm: 
        Nhìn chung Nhà trường đã triển khai tốt các quy định, hướng dẫn của Bộ Giáo dục & Đào tạo và Bộ Công an về xây dựng, công bố thực hiện CĐR và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của toàn thể cán bộ, giảng viên, sinh viên, thể hiện sự cam kết và quyết tâm của trường trong thực hiện CĐR. Nhà trường đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo các đơn vị thực hiện, thường xuyên kiểm tra, đánh giá, tiếp thu ý kiến của các đơn vị, cá nhân nhằm đảm bảo các điều kiện thực hiện CĐR. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị giảng dạy đã tăng cường mối quan hệ phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, biên soạn giáo trình; từng bước giúp sinh viên chuyên ngành tiếp cận kịp thời kiến thức thực tiễn trong quá trình học lý thuyết. Cơ sở vật chất Nhà trường ngày càng hoàn thiện, đảm bảo điều kiện cần thiết cho công tác của cán bộ, giảng viên và học tập, sinh hoạt của sinh viên. Đa số sinh viên có thái độ rèn luyện, học tập đúng đắn, tích cực tham gia các phong trào, ngày càng hoàn thiện kiến thức xã hội, kỹ năng ứng xử, giao tiếp.
        - Hạn chế:
        Ngoài những kết quả đã đạt được, trong quá trình thực hiện CĐR vẫn còn một số hạn chế nhất định, cụ thể:
        + Hoạt động võ thuật chính khoá ngoài giờ chưa thật sự trở thành phong trào học tập, rèn luyện trong sinh viên, tinh thần tập luyện thiếu chủ động, hời hợt.
        + Khả năng giao tiếp, ứng xử của một bộ phận sinh viên chưa tốt, ngại phát biểu, rụt rè khi giao tiếp với sinh viên các trường ngoài ngành Công an.
        + Trong nghiên cứu khoa học, một số sinh viên chưa phối hợp tốt với nhau trong nghiên cứu, một số đề tài chưa sát với vấn đề nghiên cứu.
        + Nhiều trang thiết bị phục vụ giảng dạy còn thiếu, hội trường tại cơ sở 1 chưa đảm bảo tiêu chuẩn do chuyển đổi công năng từ nhà ăn của sinh viên. Đặc biệt là chưa có bến bãi phục vụ giảng dạy các môn chuyên ngành Cảnh sát đường thuỷ.
        + Một số nội dung trong chương trình đào tạo, chương trình môn học chưa hoàn chỉnh, thiếu giáo trình cho một số môn nên gây khó khăn, lúng túng trong biên soạn đề cương, giáo án.
        - Nguyên nhân của hạn chế và một số đề xuất thực hiện
        Trong quá trình triển khai thực hiện CĐR tại Trường Đại học CSND vẫn còn một số hạn chế nhất định xuất phát từ các nguyên nhân: Việc tuyên truyền, phổ biến CĐR đến sinh viên Nhà trường còn hạn chế; kinh phí đầu tư, cơ sở vật chất còn thiếu; không quy định mức độ, đai đẳng cụ thể cho các môn võ thuật; các chương trình khung đào tạo trong CAND đang chỉnh sửa, chưa hoàn thiện; một bộ phận sinh viên có động cơ học tập chưa tốt, chưa mạnh dạn trong học tập, tâm lý ngại giao tiếp, thiếu kỹ năng làm việc nhóm;...
        Trong thời gian tới, để triển khai và thực hiện CĐR đạt kết quả cao, chúng tôi đề xuất một số biện pháp sau đây:
        Một là, đề xuất Cục Đào tạo - Tổng cục Chính trị CAND chú trọng, phân bổ kinh phí thực hiện CĐR cho các trường cho phù hợp; mở các lớp tập huấn thực hiện CĐR; ban hành văn bản hướng dẫn việc thực hiện CĐR. Hiện nay, các văn bản chỉ đề cập đến việc xây dựng, ban hành và công bố CĐR mà không có nội dung về thực hiện CĐR. Bên cạnh đó, Cục Đào tạo - Tổng cục Chính trị CAND cần phân công cụ thể chức năng, nhiệm vụ xây dựng, công bố CĐR là của Phòng KT&ĐBCLĐT thuộc các Trường CAND, tránh tình trạng thực hiện không thống nhất giữa các Trường CAND. Hiện nay, có một số Trường phân công Phòng QLĐT chịu trách nhiệm xây dựng, công bố và thực hiện CĐR.
        Hai là, Phòng Quản lý học viên cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến tất cả các sinh viên về CĐR của Nhà trường, đặc biệt là sinh viên các khoá học mới thông qua các hoạt động như: Sinh hoạt đầu khoá, đối thoại, tiếp xúc sinh viên định kỳ hoặc qua tổng kết học kỳ, năm học… để sinh viên có cái nhìn đầy đủ, đúng đắn và xác định những tiêu chí của CĐR để phấn đấu, chủ động xây dựng kế hoạch học tập cho riêng mình.
        Ba là, căn cứ Hướng dẫn số 3613/X11- X14 ngày 02/6/2010 của Tổng cục III về xây dựng và công bố CĐR, thì “CĐR phải đảm bảo phù hợp với chương trình khung được Bộ Công an phê duyệt và chương trình đào tạo do Hiệu trưởng các trường ban hành”, vì vậy, trên cơ sở phê duyệt chương trình khung đào tạo trình độ Đại học của Tổng cục III, Nhà trường nhanh chóng triển khai biên soạn, chỉnh sửa, bổ sung chương trình đào tạo để có cơ sở chủ động thực hiện xây dựng CĐR đặc biệt là đối các hệ liên thông, vừa làm vừa học và văn bằng 2.
        Bốn là, cần thường xuyên bổ sung, điều chỉnh kịp thời các tiêu chí cụ thể của các CĐR cho phù hợp với mục tiêu, chương trình đào tạo của Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Công an, Nhà trường và yêu cầu thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
          Kết luận: Việc xây dựng, công bố và tổ chức đào tạo CĐR là việc làm có ý nghĩa quan trọng, là một trong những tiêu chí, yêu cầu bắt buộc đối với Nhà trường, đơn vị đào tạo đại học trong các trường CAND và trong hệ thống giáo dục ở Việt Nam hiện nay. Việc xây dựng CĐR và tổ chức đào tạo theo CĐR đối với các chương trình đào tạo trong giáo dục đại học tại Trường Đại học CSND đang là vấn đề then chốt trong giai đoạn hiện nay. Mặc dù việc xây dựng và tổ chức đào tạo CĐR đã ban hành được gần 04 năm, trong chương trình đào tạo hệ chính quy thời gian 04 năm bắt đầu thực hiện từ năm học 2013-2014 theo Kế hoạch số 221/KH/BCA-X11, ngày 13/9/2012 của Bộ trưởng BCA về thực hiện việc rút ngắn thời gian đào tạo trình độ đại học trong các Học viện, các trường đại học CAND từ 5 năm xuống còn 4 năm, tuy nhiên Nhà trường phải nghiên cứu, tính toán mục tiêu và khung chương trình đào tạo để đảm bảo được CĐR nhằm tiết kiệm chi phí đào tạo, hiệu quả trong quá trình đào tạo, để làm được điều này đòi hỏi sự nỗ lực đổi mới của mỗi sinh viên, mỗi giảng viên, các đơn vị và của cả Nhà trường.
------------------------
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo “Hướng dẫn số 2196/BGDĐT - GDĐH ngày 22/4/2010 về việc xây dựng và công bố CĐR ngành đào tạo trình độ đại học”, năm 2010.
2. Bộ Công an “Kế hoạch số 221/KH/BCA-X11, ngày 13/9/2012 về việc thực hiện việc rút ngắn thời gian đào tạo trình độ đại học trong các Học viện, các trường đại học CAND từ 5 năm xuống còn 4 năm”, năm 2012.
3. Đại học CSND “Quyết định số 213/QĐ-T48, ngày13/3/2013 về việc công bố chuẩn đầu ra các ngành đào tạo Đại học CSND, hệ chính quy”, năm 2013.
4. Đại học CSND “Quyết định số 1205/QĐ – T48, ngày 04 /9 /2013 về chương trình đào tạo hệ chính quy 4 năm theo niên chế”, năm 2013.
Tác giả bài viết: Bùi Ngọc Hà 
Nguồn tin: *Bài viết đã được đăng tải trên Tạp chí KHGD CSND số 83 (tháng 11/2016)

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây